Bất động sản phục hồi có làm ấm thị trường trái phiếu doanh nghiệp? Mở đầu năm 2025, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ ở các kỳ hạn

Xoay quanh diễn biến của thị trường TPDN, đặc biệt là TPDN riêng lẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng chú ý trong năm 2024 và những triển vọng đầy hứa hẹn cho năm 2025, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thảo Hạnh - Chuyên gia Khối Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Xanh, FiinRatings.

Trái phiếu xanh được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng chiến lược đầu tư bền vững tại Việt Nam
Trái phiếu xanh được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng chiến lược đầu tư bền vững tại Việt Nam. Ảnh minh họa

PV: Với nền tảng pháp lý mới và thị trường TPDN riêng lẻ dần ổn định hơn, bà đánh giá thế nào về tiềm năng phát hành trái phiếu trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh mặt bằng trái phiếu đang có sự thay đổi?

Bà Nguyễn Thảo Hạnh: Thị trường TPDN Việt Nam đang cho thấy tiềm năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau một năm 2024 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục sau giai đoạn tái cấu trúc.

Theo số liệu từ FiinRatings, tổng giá trị phát hành TPDN riêng lẻ năm 2024 đạt 443.700 tỷ đồng, trong đó 92% là phát hành riêng lẻ, tăng gần 27% so với năm trước. Quý III và IV/2024 ghi nhận sự sôi động trong phát hành trái phiếu, phản ánh nhu cầu vốn gia tăng khi nền kinh tế phục hồi.

Trái phiếu xanh được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng chiến lược đầu tư bền vững tại Việt Nam

"Trái phiếu xanh không chỉ là công cụ tài chính, mà còn mang giá trị chiến lược, giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án bền vững" - Bà Nguyễn Thảo Hạnh nói.

Sang năm 2025, thị trường TPDN, đặc biệt là TPDN riêng lẻ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển nhờ những yếu tố thuận lợi. Các ngân hàng thương mại vẫn giữ vai trò chủ đạo, phát hành trái phiếu để củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.

Ngành bất động sản dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là khi các vấn đề pháp lý được tháo gỡ, thúc đẩy nhu cầu huy động vốn qua TPDN.

Ngành năng lượng tái tạo cũng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể nhờ Chính phủ đẩy mạnh triển khai Quy hoạch điện VIII, dẫn đến nhu cầu vốn dài hạn tăng mạnh.

Cùng với đó, thị trường TPDN đang chứng kiến nhiều cải tiến về sản phẩm, đặc biệt là các trái phiếu dài hạn, được xếp hạng tín nhiệm độc lập và bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức quốc tế, hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Những cải tiến này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn thúc đẩy tính minh bạch và bền vững của thị trường.

Điển hình, các doanh nghiệp đa ngành gần đây đã phát hành trái phiếu với các tiêu chí nâng cao, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhà đầu tư (NĐT) tổ chức và cá nhân, cho thấy niềm tin thị trường đang dần được phục hồi.

Năm 2025 hứa hẹn sẽ là bước đệm quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường TPDN Việt Nam, góp phần ổn định và thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế.

PV: Theo bà, việc phát hành trái phiếu ra công chúng được khuyến khích hơn có thể thay đổi thị trường TPDN riêng lẻ như thế nào và liệu có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn không?

Bà Nguyễn Thảo Hạnh: Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được thông qua đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng tham gia thị trường TPDN riêng lẻ, trong khi thị trường TPDN chào bán ra công chúng vẫn đang chờ các thay đổi từ Nghị định 155. Chúng tôi kỳ vọng cả hai kênh này sẽ phát triển song song, thay vì triệt tiêu lẫn nhau, khi kênh trái phiếu công chúng hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp.

Theo quy định mới, NĐT cá nhân chuyên nghiệp chỉ được phép đầu tư vào TPDN riêng lẻ nếu trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm (XHTN) và có tài sản bảo đảm, hoặc bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng. Điều này không chỉ tăng tính minh bạch cho thị trường, mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, giúp giảm bớt lo ngại cho NĐT và thúc đẩy sự phát triển của kênh huy động vốn này.

Trái phiếu xanh được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng chiến lược đầu tư bền vững tại Việt Nam

Giá trị phát hành TPDN 2020 - 2024 (nghìn tỷ đồng). Số liệu năm 2024 cập nhật tại ngày 31/12/2024. Nguồn: FiinRatings, HNX.

Bên cạnh đó, việc giới hạn đối tượng đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức phi ngân hàng tham gia thị trường, khi tỷ trọng đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tới 28% tổng giá trị TPDN lưu hành (tính đến ngày 31/12/2023). Để thị trường TPDN phát triển ổn định và giảm thiểu rủi ro hệ thống, việc đa dạng hóa cơ cấu NĐT, bao gồm các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí là cần thiết.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu sang nhóm NĐT tổ chức phi ngân hàng đòi hỏi một cơ chế mở hơn, đặc biệt là rà soát các hạn chế đầu tư vào TPDN hiện nay đối với các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Đồng thời, việc tăng cường XHTN sẽ hỗ trợ các NĐT tổ chức phân bổ tài sản hiệu quả hơn, từ đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả đầu tư.

PV: Trong bối cảnh kinh tế phát triển và nhu cầu huy động vốn gia tăng, theo bà, việc phát hành trái phiếu sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy các dự án hạ tầng, trái phiếu xanh và phát triển bền vững trong tương lai?

Bà Nguyễn Thảo Hạnh: Trong bối cảnh kinh tế phát triển, GSS nổi lên như một kênh huy động vốn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chiến lược trong xu hướng đầu tư bền vững tại Việt Nam. Hiện tại, số dư trái phiếu GSS đạt khoảng 25.400 tỷ đồng, chỉ chiếm 2% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Tuy nhiên, năm 2024 đã ghi nhận sự khởi sắc với 4 lô trái phiếu GSS trị giá gần 6.900 tỷ đồng, bao gồm các trái phiếu dài hạn do các doanh nghiệp phi tài chính phát hành và được bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức quốc tế.

Theo chuyên gia FiinRatings, trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong các dự án hạ tầng và tiện ích tại Việt Nam, vốn yêu cầu nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi kéo dài 15-20 năm. TPDN giúp cơ cấu nguồn vốn hiệu quả hơn so với vay ngân hàng kỳ hạn ngắn 5-10 năm, vốn dễ gây mất cân đối tài chính, như đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo gần đây

Sự xuất hiện của một số lô trái phiếu xanh trong các ngành phi tài chính cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực nâng cao hiểu biết và năng lực về phát triển bền vững, từ đó chủ động xây dựng khung tài chính xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế và phát hành trái phiếu dựa trên khung này.

Lợi ích của trái phiếu xanh tại Việt Nam đã dần được khẳng định thông qua những giá trị mà loại hình tài chính này mang lại. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc đánh giá độc lập các trái phiếu xanh, chúng tôi nhận thấy rằng, lợi ích cho doanh nghiệp không chỉ rõ ràng mà còn có ý nghĩa chiến lược sâu rộng.

Trước hết, trái phiếu xanh là một công cụ hiệu quả để thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các NĐT trong và ngoài nước. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp phát hành tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như nguyên tắc Trái phiếu Xanh của ICMA, đồng thời được đánh giá độc lập bởi các tổ chức uy tín như FiinRatings, S&P, hoặc Moody’s.

Quá trình đánh giá này diễn ra trước và sau khi phát hành nhằm đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro "rửa xanh" và tăng độ tin cậy. Đặc biệt, sự tham gia của các tổ chức bảo lãnh danh tiếng như GuarantCo, kết hợp với XHTN nội địa từ FiinRatings, đã giúp các lô trái phiếu xanh trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT.

Một điểm nổi bật khác là kỳ hạn của trái phiếu xanh thường dài hơn đáng kể so với các loại trái phiếu thông thường, dao động từ 10 - 20 năm so với mức trung bình 3 năm trên thị trường. Đơn cử như lô trái phiếu 20 năm của Công ty Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai được xem là một kỳ hạn ấn tượng, phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Không chỉ dài hạn, lãi suất của trái phiếu xanh cũng được thiết kế hợp lý với cơ chế cố định, dao động từ 5,5% đến 6%. Mức lãi suất này thường thấp hơn mặt bằng chung nhờ cấu trúc tín nhiệm vững chắc. Cơ chế cố định còn giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động lãi suất, mang lại sự ổn định cho nhà phát hành và NĐT.

Bên cạnh đó, trái phiếu xanh góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường vốn. Việc áp dụng quy trình XHTN từng lô trái phiếu và đánh giá xanh minh bạch không chỉ tạo niềm tin cho NĐT, mà còn thu hút sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước. Điều này đồng thời góp phần nâng cao vị thế và chất lượng hàng hóa tài chính tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!