Cơ hội tái định vị doanh nghiệp theo tư duy mới

Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 nền kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm rõ rệt. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm nhu cầu… Cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Nguồn: data.vietdata.vn
Nguồn: data.vietdata.vn

Tuy nhiên, bối cảnh nhiều bất lợi nhưng cũng mở ra những cơ hội. Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư mới thì đây là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai.

Để nắm bắt các cơ hội phát triển tới đây, Chủ tịch VCCI cho rằng, tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề mấu chốt. Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn liền với tư duy mới: phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

Phân tích về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thế giới đầy biến động, bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ thế giới thay đổi và tái định nghĩa lại cách chúng ta học tập, làm việc và sinh hoạt nhanh chóng như vậy. Hoạt động trong môi trường kinh doanh đầy biến động và chứa nhiều yếu tố không chắc chắn, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải chú trọng nhiều hơn trong việc đầu tư vào các chiến lược ứng phó với rủi ro từ các tác nhân bên ngoài với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến năng suất sản xuất và làm sao bán được hàng hóa ra thị trường, thậm chí xuất khẩu đi nước ngoài, thì ngày nay, một doanh nghiệp muốn phát triển và tăng trưởng bền vững cần quan tâm nhiều yếu tố hơn. Cụ thể như: Làm sao để có sản phẩm tốt mà không tổn hại môi trường và xã hội, tuân thủ pháp luật? Làm sao ứng dụng công nghệ tiên tiến một cách nhanh chóng để tối ưu hóa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu biến đổi không ngừng của thị trường tiêu dùng? Làm sao để doanh nghiệp có đủ năng lực chống chọi với những biến động khôn lường của thế giới?

“Khi thế giới thay đổi, với tư cách là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động bậc nhất, có độ mở lớn và đã tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể đứng yên. Và chúng ta hoàn toàn có năng lực để thực hiện điều đó” - bà Lâm Thúy Nga nhấn mạnh.

Cải cách hành chính mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này, bà Lâm Thúy Nga đề xuất Chính phủ cần có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới; kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và những thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp địa phương.

Các tổ chức, các hiệp hội chung tay hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp kiến thức đổi mới từng ngày cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cùng những trường hợp đổi mới sáng tạo thành công trong nước và quốc tế.

Việt Nam có tinh thần đổi mới sáng tạo cao

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào tháng 9/2022, Việt Nam hiện đứng thứ 48 trong số 132 nền kinh tế về năng lực đồi mới sáng tạo, đồng thời đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan. Việt Nam cũng là một trong 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay. Trong một thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có bước tiến bộ nhảy vọt khi tăng hơn 20 bậc. Như vậy, xét về nội tại, Việt Nam rõ ràng là một quốc gia có tinh thần đổi mới sáng tạo cao. Điều này cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực kinh tế.

Từ phía doanh nghiệp, cần chủ động học hỏi, tìm tòi từ các hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến…

Nhìn từ góc độ thể chế, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nhận định, hiện đang có những rào cản nhất định với doanh nghiệp. Theo đó, việc cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh một số ngành đang có dấu hiệu chững lại. Việc chuyển đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa thực sự mạnh mẽ, áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực thuế và hải quan, chưa được mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Do đó, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị phải tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp; tiếp tục tiến hành chương trình cắt giảm các quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh một cách thực chất; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở hầu hết các lĩnh vực; thúc đẩy áp dụng quản lý theo hình thức rủi ro. Đặc biệt là xác định hỗ trợ môi trường kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp đó là: tập trung vào việc rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết vụ án kinh doanh thương mại; hạn chế tối đa việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; giảm thời gian và tăng tỷ lệ thi hành án thành công; giảm triệt để việc huỷ phán quyết trọng tài thương mại;

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, cần nghiên cứu tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và thực thi pháp luật thông qua việc bảo đảm công tác tham vấn đối tượng thụ hưởng chính sách trong giai đoạn xây dựng pháp luật, thực hiện các biện pháp pháp điển hoá, tập hợp hoá, hợp nhất văn bản pháp luật, nghiên cứu cơ chế diễn giải pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ… Cùng với đó, tôn trọng quy luật thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả và sản lượng hàng hoá. Sự điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường trong chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và điều tiết mức độ cạnh tranh trong các ngành kinh tế cần bảo hộ.

Mức độ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế

Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình tiếp cận chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế. Ông Anh lý giải, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc), nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines…

Không những vậy, Việt Nam hiện tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp; trong đó, nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại; 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại của Viêt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, tình hình trên có thể được cải thiện khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới FTA. Với 15 FTA đã ký kết và thực thi, thị trường cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra được mở rộng hơn, các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ phong phú đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước đối tác FTA.