Việc thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ có tác động tích cực

Việc thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ có tác động tích cực trên nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là trao đổi của ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) với phóng viên TBTCVN.

PV: Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Cơ sở để Bộ đưa ra đề xuất này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Hiện nay, đường bộ cao tốc Việt Nam có 16 tuyến dài 968,7 km. Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư đường cao tốc trong tương lai, nhu cầu về nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư phát triển đường cao tốc là rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Huyện

Ông Nguyễn Văn Huyện

Cùng với đó, hiện nay nguồn vốn thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trong đó có hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư) được bố trí từ NSNN và Quỹ bảo trì đường bộ (trong giai đoạn 2013-2019). Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ NSNN hàng năm cho công tác bảo trì đường bộ còn rất thiếu, chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng (do không thực hiện đầy đủ công việc bảo dưỡng thường xuyên; chưa thực hiện sửa chữa đường bộ theo định kỳ; bão lụt hàng năm gây thiệt hại nặng nề...), đòi hỏi kinh phí cần thiết cho bảo trì rất lớn và năm sau cao hơn năm trước.

Mặt khác, đường cao tốc là loại đường bộ được xây dựng để phục vụ các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, có tiêu chuẩn đặc biệt, cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng. Do đó, để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, cần phải nghiên cứu phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

PV: Bộ Giao thông vận tải đã có những đánh giá tác động như thế nào về việc tổ chức thu phí thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Theo tôi, việc thu phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có tác động tích cực trên nhiều mặt, như tác động về mặt kinh tế - xã hội: Tạo nguồn thu NSNN khi huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; qua đó góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc. Số phí thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu sẽ được nộp về NSNN và được sử dụng theo quy định của Luật NSNN. Bên cạnh đó, giúp tăng cường hiệu quả khai thác đường cao tốc, tăng cường công tác quản lý trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc.

Theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải, nếu lựa chọn trả mức phí 1.000 - 1.500 đồng/PCU.km để lưu thông trên tuyến cao tốc với thời gian đi lại thấp hơn và chất lượng đường tốt hơn, người sử dụng đường vẫn được lợi từ 1.000 - 1.500 đồng/PCU.km tính theo đầu phương tiện so với lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành.

Đồng thời, mức thu phí sử dụng đường cao tốc được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc (phải đóng phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí và được hưởng lợi ích tăng thêm) hoặc sử dụng đường song hành (không phải đóng phí sử dụng đường cao tốc). Việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc không làm phát sinh phí trùng phí.

Ngoài ra, chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt; chính sách không làm phát sinh thủ tục hành chính mới; phù hợp với quy định tại Luật NSNN, Luật Phí và lệ phí, Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, tương thích với các điều ước quốc tế, không có sự xung đột với các điều ước mà Việt Nam tham gia.

PV: Để hoàn thiện cơ sở pháp lý và tạo được sự đồng thuận của người dân, Bộ Giao thông vận tải đã có đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Theo quy định tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2017, Nghị định số 09/2020/NĐ-CP ngày 13/1/2020 của Chính phủ, Thông tư số 293/2016/TT- BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính thì mới chỉ quy định: Phí sử dụng đường bộ là loại phí được thu hàng năm trên đầu phương tiện ô tô, nộp vào NSNN để phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ, không sử dụng làm tăng khoản thu của NSNN để thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ.

Như vậy, trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Do đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Bộ Tài chính về khoản phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung khoản phí.

Trong đó, đề xuất các nguyên tắc thu cơ bản như sau: Chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do NSNN đầu tư để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc.

Việc xác định mức phí sử dụng đường cao tốc phải đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước trên các nguyên tắc: Phải phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào NSNN; được tính toán theo từng tuyến cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ước thu 2.142 tỷ đồng/năm nếu thực hiện thu phí

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (dài 40 km) thì số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được, tương ứng khoảng 52,8 tỷ đồng (với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn). Đối với hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đã đầu tư, hiện nay tổng chiều dài 196 km, nếu thực hiện thu phí dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng.

Văn Nam - Trí Dũng (thực hiện)