Thủ tướng dự Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 Sắp diễn ra Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 Cách mạng công nghiệp 4.0 phải bắt đầu từ thể chế

Chuẩn bị hai chương trình tổng thể về chống dịch và phát triển kinh tế xã hội

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng cho biết hiện nay, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Chia sẻ với các đại biểu về một số vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường…, Thủ tướng nêu rõ, cùng với dịch bệnh Covid-19, đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, chúng ta phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là động lực. “Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn

Về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho hay Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh đã làm bộc lộ cả mặt yếu và mặt mạnh của hệ thống y tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết một số định hướng lớn trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất; có kế hoạch bảo đảm vắc-xin và thuốc điều trị. Việt Nam đặt mục tiêu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc-xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi, tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho người từ 12 tuổi; đồng thời nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một số trụ cột là tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển…

Phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa

Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên thiên; và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm: công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực…

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như: đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào...; thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.

Về hoàn thiện thể chế, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông. Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…, Thủ tướng nêu ví dụ. Đồng thời, chúng ta phải chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…

Nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, Thủ tướng cũng chia sẻ Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. “Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất” - Thủ tướng nói.