VDBF

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại VDBF 2015 diễn ra ngày 5/12.

Cần giải pháp toàn diện để nâng tính độc lập, tự chủ

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết VDBF 2015 diễn ra trong bối cảnh năm 2015 là năm quan trọng của Việt Nam với nhiều sự kiện kinh tế chính trị lớn như: Đây là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 – 2015, là năm Việt Nam tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII… Đặc biệt, đây cũng là năm Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc tham gia Cộng đồng ASEAN; ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu; chuẩn bị ký chính thức các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như FTA Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp toàn diện và dài hạn đề nâng cao tính độc lập, tự chủ, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi tóm tắt với các đại biểu về các kết quả kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2015, giai đoạn 5 năm và định hướng phát triển giai đoạn tới. Trong đó, nổi bật là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế duy trì hợp lý và phục hồi khá cao vào năm 2015. Tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả.

Đối với việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, Việt Nam đã thực hiện được nửa chặng đường của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 với sự tập trung vào 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược là cải cách thể chế kinh tế thị trường, phát triển kết cấu hạ tẩng, phát triển nguồn nhân lực.

Nhiều luật quan trọng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Đặc biệt về cải cách thể chế kinh tế thị trường, chỉ tính từ sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 40 Luật nhằm luật hoá nguyên tắc hiến định quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến những luật quan trọng như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công….

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số về xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam tăng 19 bậc, năm 2010 xếp thứ 75/139 quốc gia, năm 2015 xếp thứ 56/140 quốc gia.

Đánh giá về cơ hội và thách thức với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế sắp tới, Thủ tướng cho rằng với việc ký kế hàng loạt các FTA, Việt Nam có rất nhiều cơ hội, đồng thời cũng đối mặt một số thách thức trong triển khai Kế hoạch 5 năm tới, tuy nhiên, “cơ hội thuận lợi vẫn là chủ yếu”.

Những thách thức chủ yếu với Việt Nam giai đoạn 5 năm tới là kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; kinh tế phục hồi còn chậm; chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp; thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự là động lực đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng KHCN còn chậm; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu….

Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp phát triển với các định hướng chủ yếu là: Tăng cường thể chế kinh tế thị trường có tính nền tảng; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Phát triển các vùng và khu kinh tế nhằm phát huy tối đa tiềm năng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, KHCN; Phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển trong thời gian tới, “Những ý kiến quý báu của các quý vị trong Hội nghị sẽ được các cơ quan chức năng tham khảo, tiếp thu trong việc đề ra những giải pháp thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 – 2020”, Thủ tướng khẳng định./.

H.Y