Đắk Lắk: Kết nối cung - cầu, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Sản phẩm hạt mắc ca huyện Krông Năng xuất khẩu đã được chứng nhận đủ vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: CTV

Tạo liên kết cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, cho biết hợp tác xã là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu tập hợp nông dân tạo thành cánh đồng mẫu lớn, đăng ký thiết lập mã số vùng trồng cho cây sầu riêng.

Năm 2022, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, đã đưa được quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mùa vụ sầu riêng năm 2023, chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã, người dân bị phá vỡ.

Tình trạng tranh mua, tranh bán làm loạn giá, gây hệ lụy cho cả hệ thống chuỗi liên kết. Việc quản lý mã số vùng trồng không chặt chẽ. Hợp tác xã thiết lập và duy trì mã số vùng trồng bài bản, tuy nhiên giá sầu riêng bán ra thấp hơn giá thị trường. Do đó, nông dân không còn mặn mà với mã số vùng trồng và giảm niềm tin với hợp tác xã.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 12.442 doanh nghiệp, 612 hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động. Có nhiều yếu tố tích cực trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc huy động các đối tượng cùng tham gia quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm các loại nông sản hàng hóa… Tuy vậy thời gian qua, ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh tương tự như Hợp tác xã Tân Lập Đông nhưng chưa thể tự mày mò tìm ra giải pháp phù hợp, lối đi cho riêng mình để tạo lợi nhuận cao, phát triển bền vững.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong số đó phải kể đến tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ khiến sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi của các thị trường nước ngoài, tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với thế giới còn thấp. Phần lớn sản phẩm nông sản của tỉnh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới giá trị nông sản khi xuất khẩu chưa cao. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là vừa và nhỏ, thiếu cả về nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động để thực hiện chiến lược, kế hoạch xúc tiến thương mại bài bản.

Theo các chuyên gia, thời điểm này, doanh nghiệp không thể tự mình mà cần tạo sự kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hoá theo chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cần sự “chung sức, đồng lòng, sẻ chia ” của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát huy tính năng động, chủ động trong sản xuất kinh doanh, sáng tạo, vững vàng vượt qua khó khăn và thử thách.

Tận dụng thời cơ trong bối cảnh hội nhập

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk đang có thế mạnh nổi trội về sản xuất nông nghiệp so với cả nước. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có mặt trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhờ có uy tín, chất lượng nên nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường lớn, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…

Việc Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các đối tác song phương và đa phương, được xem là cơ hội lớn để sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk được tham gia vào các thị trường khó tính.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Sở Công thương tập trung vào ba giải pháp. Thứ nhất, phải mở rộng được đối tượng tham gia xuất khẩu.

Thứ hai, cần đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh các thị trường truyền thống đã phát triển ổn định, phải nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường mới qua phương pháp kinh doanh truyền thống và kinh doanh thương mại điện tử.

Thứ ba, phải có những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư bài bản, chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu; qua đó, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

Theo ông Dương, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn, có tiềm năng trên thế giới, Sở Công thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp, người dân cần ưu tiên phát triển thị trường nội địa. Kinh nghiệm sau nhiều năm cho thấy, thị trường nội địa không chỉ tạo ra cơ hội mà còn là điểm tựa của nhiều doanh nghiệp khi thị trường thế giới gặp biến động mạnh. Vì vậy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần quảng bá tới người tiêu dùng trong nước những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý.

Đắk Lắk: Kết nối cung - cầu, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Container mắc ca đầu tiên của Đắk Lắk lên đường sang Nhật Bản bằng con đường chính ngạch. Ảnh: CTV

Ông Dương cho biết thêm, ngành Công thương Đắk Lắk đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; cùng với các sở công thương các địa phương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hiệp hội đẩy mạnh công tác thu thập, cập nhật thông tin về sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản chủ lực tại địa phương mình làm cơ sở khuyến cáo cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng nông sản kịp thời điều chỉnh nguồn cung hàng hóa nông sản hiệu quả.

Các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình biên mậu, cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước đối với nông sản để tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu thông qua giao ban xúc tiến thương mại với tham tán thương mại các nước hàng tháng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, mới đây, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và TP. Hà Nội đã tạo điều kiện cho liên minh hợp tác xã 2 địa phương cùng đại diện hàng chục doanh nghiệp tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu nhằm liên kết, tăng chuỗi giá trị hàng hóa thông qua việc cung ứng vật tư đầu vào, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm giới thiệu các sản phẩm có thể kết nối.

Theo ông Hà, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk định hướng và hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất; đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường mới; có những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu./.

Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Đắk Lắk đạt sản lượng bình quân hàng năm: cà phê đạt trên 557.000 tấn, hồ tiêu 78.000 tấn, cao su trên 37.000 tấn, ong mật trên 15.000 tấn, sắn 720.000 tấn, ca cao hơn 2000 tấn. Đặc biệt cây ăn quả diện tích 36.450 ha, rất đa dạng, trong đó tập trung một số cây ăn quả như: sầu riêng là cây ăn quả chủ lực được trồng thuần và trồng xen, sản lượng trên 180.000 tấn, dự kiến đến năm 2025 đạt trên 300.000 tấn…