Rà soát để phát hiện bất cập, chồng chéo

Để thông quan hàng hóa, ngoài thủ tục hải quan, doanh nghiệp còn phải làm thủ tục với các bên liên quan như: doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, hãng tàu. Đặc biệt là câu chuyện nhiều mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phải chịu nhiều đầu mối quản lý của bộ, ngành khiến kéo dài thời gian, chi phí thực hiện và tuân thủ.

Thời gian qua, với vai trò đầu mối Cơ quan thường trực Ủy ban 1899 (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Một cửa ASEAN, Một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại), cơ quan hải quan đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những bất cập, chồng chéo, vướng mắc. Trên cơ sở kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung và đưa ra các thủ tục hành chính đơn giản.

Cơ quan hải quan đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện trình Chính phủ sớm ký ban hành nghị định. Ảnh: ĐN
Cơ quan hải quan đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện trình Chính phủ sớm ký ban hành nghị định. Ảnh: ĐN

Ngoài ra, thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 38), phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Dự thảo nghị định này đã nhận được sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và kỳ vọng sau khi ban hành sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, qua đó rút ngắn thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp.

Theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), với Quyết định 38, ngành Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát để sửa đổi các văn bản là luật, nghị định, để đảm bảo thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản, nhanh chóng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian; một mặt giúp cơ quan quản lý có đầy đủ các thông tin để phục vụ quản lý; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện trình Chính phủ sớm ký ban hành nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” - ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Hướng tới số hoá thủ tục

Khi nghị định ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, để cho phép tất cả các thủ tục, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện toàn bộ trên cổng.

Mặc dù, hiện nay các doanh nghiệp đã thực hiện một số thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trên cổng dịch vụ công của các bộ, ngành cũng như trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tuy nhiên chưa hoàn toàn điện tử, chưa hướng tới mô hình số hóa đồng bộ với việc triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh của ngành Hải quan. Do đó, đại diện cơ quan hải quan cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp để đảm bảo cho phép các doanh nghiệp, bộ ngành có thể thực hiện toàn bộ thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đây là giai đoạn đầu trong việc triển khai nhiệm vụ được giao trong Quyết định 38, trong đó giao cơ quan hải quan là đầu mối về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Trong giai đoạn sau khi triển khai mức độ rộng hơn, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại quyết định này.

Định hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ: Có thể thấy định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành theo hướng giao cơ quan hải quan là một đầu mối kèm theo rất nhiều cải thiện về biện pháp, phương thức thực hiện là kỳ vọng rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ phần lớn khó khăn. Từ trước đến nay cơ quan hải quan cũng đảm nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và bây giờ lại gánh vác thêm một trách nhiệm mới. Đây là định hướng cải cách lớn nhưng đồng thời cũng tăng cho cơ quan hải quan rất nhiều trách nhiệm và áp lực, bởi vì mọi trách nhiệm đều dồn vào một cơ quan. Đứng ngoài nhìn vào có thể tưởng là tăng thêm quyền lợi nhưng thực ra thách thức và trách nhiệm sẽ cao hơn. Vì bản thân cơ quan hải quan phải ứng xử chuyển hóa trách nhiệm này thành năng lực mới của hệ thống.

Về lộ trình cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ rà soát lại để đảm bảo các văn bản được sửa đổi, bổ sung phù hợp với nội dung nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 38. Đồng thời, Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành trong việc soạn thảo, xây dựng, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các luật sửa nhiều luật để triển khai được nhiệm vụ.

Theo ông Âu Anh Tuấn, việc quản lý tới đây sẽ hướng theo mô hình (như tại Quyết định 38 giao) cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, áp dụng đầy đủ các nguyên tắc cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được nêu trong quyết định như: áp dụng quản lý rủi ro; chuyển đổi phương thức kiểm tra từ chặt sang thông thường, giảm… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các cơ quan liên quan, cơ quan hải quan cũng giảm thời gian thông quan, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch. Hồng Vân