Định hướng đúng đắn

Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, chủ chương này đã thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta, đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.

Với định hướng trên, đến nay tín dụng xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tiếp tục tìm giải pháp mới để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Chí Tín.
Các giải pháp tháo gỡ cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh Tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, NHCSXH được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội và đã triển khai có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, NHCSXH đã tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Cần phát huy tối đa vai trò của công tác giám sát

Công tác giám sát phải được thực hiện thường xuyên, được đưa vào chương trình, kế hoạch hằng năm, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Nội dung giám sát phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đối tượng giám sát; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Theo chia sẻ kinh nghiệm thực tế, NHCSXH cho biết đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, ngân hàng cũng xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Những thách thức trong thời kỳ mới

Theo NHCSXH, đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Tiếp tục tìm giải pháp mới để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Chí Tín

Đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương của các địa phương sang NHCSXH đã đạt 34.881 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%/tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 31.074 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có những khó khăn. Nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững.

“Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo hiện nay vẫn còn bị phân tán, chưa tập trung triệt để về một đầu mối là NHCSXH” - ông Thắng khẳng định.

Nên có chương riêng trong Luật Các tổ chức tín dụng

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, bổ sung một chương riêng quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này để khẳng định địa vị pháp lý của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chúng tôi cũng đề nghị nên sớm có chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình giúp cho người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chống nguy cơ tái nghèo.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa

Đưa một trong những ý kiến đề xuất phát huy tốt hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”. Định hướng có thể sẽ cho phép mở tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” tại các ngân hàng thương mại, trong đó có mở tài khoản tại NHCSXH các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo được tốt nhất.

Ở góc độ vai trò của Ủy ban Dân tộc, ông Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể sẽ cần sớm ban hành định mức giao đất ở, đất sản xuất, diện tích nhà ở tối thiểu để thực hiện Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số.

Các địa phương cũng cần kịp thời rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP làm cơ sở để NHCSXH cho vay, hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao. Một trong những giải pháp cần thực hiện là lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với hoạt động dạy nghề, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ kỹ năng sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường. Các hoạt động cũng nên khuyến khích hộ nghèo, đồng bào dân tộc tham gia sâu vào liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng dược liệu quý, chương trình mỗi xã 1 sản phẩm...

Kết quả nguồn vốn chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 -2021 từ 9,88% xuống 2,23%.