Tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển những tháng cuối năm
GS.TS Nguyễn Thị Cành - Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

PV: Đánh giá về tình hình kinh tế cả nước cũng như của TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong 6 tháng đầu năm 2023 các chuyên gia đều cho rằng, mặc dù đã có nhiều điểm sáng tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế đối với một số lĩnh vực. Vậy theo bà, những khó khăn nhất hiện nay đối với kinh tế TP.HCM là gì?

GS.TS Nguyễn Thị Cành: Với TP.HCM, mặc dù quý II đã có những điểm khởi sắc với GRDP tăng 5,87%, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước. Với quy mô kinh tế lớn so với các tỉnh, thành còn lại trong cả nước, hàng năm đóng góp trên dưới 20% GDP cả nước, kinh tế TP.HCM tăng chậm sẽ có tác động không tốt đến tăng trưởng GDP cả nước. Theo số liệu vừa được công bố, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM ước thực hiện 227.872 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán và giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Về giải ngân đầu tư công của TP.HCM mặc dù trong quý II có chuyển biến mạnh nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 15.682,3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 15% so với kế hoạch vốn được giao.

Về xuất nhập khẩu của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm còn giảm sâu hơn dự báo. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm của TP.HCM thực hiện 64.242 tỷ đồng, đạt 44,1% dự toán, chiếm 28,2% tổng thu cân đối và giảm 9,4%. Yếu tố làm cho tăng trưởng chậm là do tình hình xuất nhập khẩu không mấy sáng sủa, đơn hàng giảm, giá nguyên liệu đầu vào vẫn cao. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến.

PV: Bà có nhận định, đánh giá như thế nào khi Quốc hội, Chính phủ liên tục ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như: miễn giảm hàng loạt các loại thuế, phí, đồng thời giảm lãi suất điều hành.... Các chính sách này sẽ tác động như thế nào tới sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp thời gian tới?

GS.TS Nguyễn Thị Cành: Có thể nói, doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động kém sẽ làm cho nền kinh tế trì trệ. Đúng thời điểm mà hầu hết người dân, doanh nghiệp đang rất cần các trợ lực từ nhà nước để tiếp tục phục hồi, phát triển nhanh trong những tháng còn lại của năm 2023 thì Chính phủ đã kịp thời có các chính sách kích thích kinh tế như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%, giảm lãi suất điều hành.

Giảm thuế GTGT, giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Khi giảm gánh nặng thuế và chi phí vốn, các doanh nghiệp có thể huy động các nguồn lực để hoàn thành các hợp đồng kinh doanh của cả năm, đảm bảo số lượng và chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng, chuẩn bị các hợp đồng mới. Đồng thời, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, khuyến khích động viên người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả.

Các doanh nghiệp ngoài thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh hiệu quả, còn tham gia cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu thụ cho các dịp lễ tết các tháng cuối năm, góp phần bình ổn giá cả thị trường vào các tháng cuối năm.

PV: Vậy theo bà, để những chính sách này sớm đi vào cuộc sống, hấp thụ ngay vào họat động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì?

GS . TS Nguyễn Thị Cành: Để các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ nêu trên (giảm thuế GTGT, các loại thuế, phí, giảm lãi suất…) đi vào cuộc sống, có tác động kịp thời đến hoạt động của các doanh nghiệp cần có sự tham gia của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Trong đó vai trò của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng. Đặc biệt là việc khẩn trương có văn bản hướng dẫn các cấp triển khai thực hiện chính sách; chỉ dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện cắt giảm thuế, giảm lãi suất kịp thời, đúng tiến độ theo các văn bản hướng dẫn.

Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc cần theo dõi giám sát việc thực hiện và nắm thông tin phản hồi từ doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Mới đây nhất, Tổng Cục thuế đã có văn bản hỏa tốc triển khai ngay việc giảm thuế VAT 2% đối với các nhóm hàng hóa kinh doanh kể từ ngày 1/7 được cho là động thái rất kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định trong những tháng cuối năm.

Tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển những tháng cuối năm
Một góc trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

PV: Theo bà, đối với TP.Hồ Chí Minh hiện nay cần có những hành động và lộ trình cụ thể như thế nào?

GS .TS Nguyễn Thị Cành: Ngoài các chính sách kích thích kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các chính quyền địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư công, giảm ách tắc vận chuyển lưu thông hàng hóa, đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng…

Riêng với TP.HCM mặc dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh (chương trình một cửa, một dấu, hay đăng ký kinh doanh trực tuyến… rất hiệu quả), nhưng theo tôi, tới đây cùng với việc chủ động triển khai các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết 98 (thay thế Nghị quyết 54) về áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua, TP.HCM cũng cần có ngay chương trình kích cầu đầu tư qua Công ty đầu tư Tài chính nhà nước thành phố.

Theo đó, cần áp dụng hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư cho các dự án được hưởng ưu đãi gồm 8 lĩnh vực như: công nghiệp trọng yếu, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, tài nguyên - môi trường, y tế - giáo dục đào tạo, thương mại, nông nghiệp, thể dục - thể thao. Bên cạnh đó, TP.HCM cần phải sớm triển khai các dự án trọng điểm như xây dựng hạ tầng logistics, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, kết nối liên kết với các tỉnh trong vùng và thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thành phố cũng cần hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt là người lao động từ các tỉnh quay trở lại làm việc ở TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn về chi phí sinh hoạt, nhà ở; thành phố cần nhanh chóng triển khai chính sách nhà ở xã hội cho người lao động, trước tiên là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hiện tại TP.HCM đã và đang thực hiện 3 chương trình đột phá (đột phá phát triển nhân lực và văn hóa; đột phá đổi mới quản lý TP.HCM; đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM, trong đó có xây dựng nhà ở cho người dân có thu nhập thấp) và chương trình trọng điểm phát triển thành phố (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM) giai đoạn 2021-2025. Hy vọng những chương trình trên được triển khai đưa vào thực hiện sớm sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực để phát triển một cách bền vững trong giai đoạn tới.