Bài 1: Tín dụng xanh định hướng cho các hoạt động đầu tư Bài 1: Tín dụng xanh định hướng cho các hoạt động đầu tư

Khó khăn về pháp lý

Từ cuối năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế; đồng thời, bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh. Mặc dù Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những khó khăn hiện nay là khung pháp lý về tín dụng xanh của Việt Nam chưa hoàn thiện, gây ra khó khăn trong việc phát triển hoạt động này trên thực tiễn.

Theo Ths. Võ Thị Mỹ Hương - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, tín dụng xanh lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhưng chưa được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay các dự án xanh nhằm bảo vệ môi trường.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay các dự án xanh nhằm bảo vệ môi trường.

Cụ thể là, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi năm 2017) quy định, đối với nghiệp vụ cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng hiện hành chưa có quy định về hoạt động cho vay đối với dự án đầu tư, kinh doanh đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế xanh, mà chỉ quy định một nguyên tắc cho vay chung.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hệ thống pháp luật hiện cũng vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh; thiếu hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể (khái niệm, quy định, tiêu chuẩn/điều kiện về danh mục các ngành/lĩnh vực xanh). Thực trạng này dẫn đến việc thiếu cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế, ưu đãi, khuyến khích hoạt động xanh và cấp tín dụng xanh.

Những khó khăn về chi phí và rủi ro

Khi tham gia vào hoạt động ngân hàng xanh, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu vừa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nguồn vốn cho sự phát triển nền kinh tế, vừa đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia trong xu thế hiện nay.

Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố khác nhau đang ảnh hưởng đến sự phát triển của tín dụng xanh, bao gồm: chi phí giao dịch tại ngân hàng, kiến thức thông tin và mức độ tin cậy, sự tham gia chưa đầy đủ của các tổ chức quốc tế, giá trị còn lại của tài sản hiện có cần được thay thế. Ngoài ra, việc thực hiện các dự án xanh cũng cần chi phí cao để tích hợp các nguồn năng lượng sạch vào hệ thống, rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ không rõ ràng, công cụ tài chính trong nước không phù hợp…

Theo TS. Phan Thị Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, một trong những khó khăn hiện nay gây “cản bước” tín dụng xanh là nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh cần thời gian thu hồi vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Trong khi đó, nhận thức và năng lực của các ngân hàng trong phát triển sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các chi nhánh của ngân hàng. Trong thực tế, việc phát triển ngân hàng xanh phải chú trọng đến vận hành, người lao động, cộng đồng - xã hội và theo đó, ngân hàng khi tham gia các hoạt động ngân hàng xanh sẽ phải gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành ngân hàng trong kinh doanh.

Nhiều khó khăn trong thực hiện tín dụng xanh

“Hiện nay số lượng các ngân hàng quan tâm và ban hành quy trình nội bộ về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, quy trình thẩm định đối với các dự án xanh chưa nhiều. Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản để thực hiện thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Trong khi, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro và khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và mặt tài chính, tài sản bảo đảm. Ngoài ra, việc thiếu cơ chế, chính sách trong tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số dự án về tăng trưởng xanh của ngành ngân hàng đã từng bị dừng triển khai.” - TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng, yêu cầu đặt ra không chỉ phải chứng minh yếu tố xanh trong dự án, doanh nghiệp, cá nhân đi vay, mà còn phải cho thấy được khả năng quản trị và kinh nghiệm của mình. Bà Linh cho rằng, điều này cũng là thách thức chung đối với doanh nghiệp khi phải liên tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn nhân lực đảm nhận công việc cho vay đối với lĩnh vực ngân hàng xanh đang thiếu và yếu tại ngân hàng. “Họ có hiểu biết về chính sách, nhưng ít hiểu biết về nhận diện yếu tố xanh trong các dự án” - bà Linh nói.