So sánh tăng trưởng huy động và tín dụng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến 31/12/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14,5%. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn chút ít so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra thời điểm đầu năm (14%), nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu tăng trưởng sau khi đã được NHNN điều chỉnh (NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng thêm 1,5% - 2% vào đầu tháng 12/2022).

NHNN chưa đưa ra số liệu về huy động vốn tính đến 31/12/2022, nhưng tính đến 27/12/2022, tốc độ tăng trưởng vốn huy động đạt khoảng trên 6%, tại thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 13%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến 27/12 nhanh hơn khoảng 2,16 lần so với tốc độ tăng trưởng vốn huy động. So sánh tăng trưởng 2 chỉ tiêu này có thể thấy, vốn huy động vẫn tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng, nhưng so với giai đoạn tính đến cuối tháng 10 thì tình hình huy động vốn trong 2 tháng cuối năm đã được cải thiện hơn.

Tín hiệu tích cực hơn khi tốc độ huy động vốn

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Nhìn lại bức tranh về thị trường tiền tệ trong giai đoạn trước đó. Tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021, nhưng tốc độ huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm. So sánh 2 con số này, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10 nhanh gấp khoảng 2,5 lần so với tăng trưởng vốn huy động.

Tình trạng huy động vốn thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhất là với số liệu tính đến cuối tháng 10, trở thành một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng chưa thể đẩy mạnh tín dụng. Theo đó, nhiều ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để cải thiện năng lực nguồn vốn và đây là một trong những lý do dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất huy động, đặc biệt nóng trong tháng 11 và đầu tháng 12/2022.

Và những tín hiệu khác...

Nếu so sánh con số tăng trưởng huy động và cho vay tính đến cuối năm 2022, có thể thấy tốc độ tăng trưởng huy động còn khá thấp. Tuy nhiên, đây là tốc độ tính bình quân cho cả năm bao gồm cả giai đoạn 10 tháng đầu năm, còn tính riêng cho 2 tháng cuối năm thì có thể thấy, tốc độ huy động riêng giai đoạn này đã “dễ thở” hơn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 10 đến 27/12 tăng thêm 1,5%; trong khi huy động vốn của giai đoạn này cũng tăng thêm khoảng 1,4 – 1,5%. Hai con số này đã tương đối cân bằng nhau nếu chỉ tính riêng trong gần 2 tháng cuối.

Một số tín hiệu khác cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã khá ổn định thời điểm cuối năm là lãi suất liên ngân hàng đã giảm, có thời điểm lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống chỉ còn 3,2%.

Đánh giá về diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, động thái này có được một phần nhờ kết quả của hàng loạt động thái điều hành khá hợp lý của NHNN. Trong đó, thị trường mở đã được NHNN điều hành khá linh hoạt, nhờ đó thanh khoản của các ngân hàng cũng được cải thiện tốt hơn. Bên cạnh đó, một trong những động thái điều hành tuy có mang tính hành chính nhưng cần thiết trong thời điểm hiện tại là việc NHNN thông báo sẽ xử lý những ngân hàng tăng lãi suất, đã chặn được làn sóng tăng lãi suất, đưa lãi suất trở về quỹ đạo hợp lý.

Ngành Ngân hàng đề xuất giải pháp ổn định hệ thống về lâu dài

NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn, ách tắc thanh khoản trong nền kinh tế, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Bởi lẽ, nền kinh tế nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành Ngân hàng vẫn đang tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người nông dân, doanh nghiệp.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên tục có những cuộc họp giữa thành viên để trao đổi và có những giải pháp tạo sự đồng thuận, nhằm ổn định hoạt động huy động vốn và cho vay. Sau các hoạt động này, sự liên thông giữa các ngân hàng cũng đã được nhịp nhàng hơn, hỗ trợ tốt hơn cho các ngân hàng về thanh khoản, thúc đẩy huy động vốn và cho vay được điều tiết ổn định hơn trước.

Nói về vai trò của VNBA, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ, nên hoạt động ngân hàng đòi hỏi sự liên thông cao trong toàn hệ thống. Các doanh nghiệp lĩnh vực khác nếu hoạt động rời rạc có thể không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhưng ngân hàng nếu rời rạc không phối hợp tốt thì có thể có những ảnh hưởng rất tiêu cực với lợi ích chung của nền kinh tế và lợi ích của chính các ngân hàng. Theo đó, ông Tú cho rằng, khi hiệp hội đã có cam kết thì các ngân hàng thành viên cần phải tuân thủ các cam kết để giữ uy tín chung của ngành.