Trái phiếu Chính phủ, điểm tựa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh thì thành phần quan trọng của thị trường là các tổ chức trung gian trên thị trường. Ảnh: TL

Sửa các quy định về phát hành riêng lẻ

Một trong những nội dung mới đáng quan tâm của Nghị định 83 vừa có hiệu lực là nghị định này sửa đổi, bổ sung các quy định về phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ (TPCP). Theo đó, phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp TPCP cho từng đối tượng mua, hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán TPCP (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Quy trình lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính

Nghị định 83 quy định, khi có nhu cầu phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh phát hành, KBNN thông báo về kế hoạch tổ chức bảo lãnh phát hành trên trang điện tử của Bộ Tài chính, KBNN và sở giao dịch chứng khoán để các tổ chức đăng ký tham gia làm tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính.

Nội dung thông báo bao gồm thông tin dự kiến về đợt bảo lãnh phát hành và các thông tin về việc lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) xây dựng phương án phát hành TPCP theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: đối tượng mua trái phiếu; khối lượng dự kiến phát hành; kỳ hạn trái phiếu; lãi suất dự kiến; thời gian dự kiến phát hành; dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (KBNN phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).

Khi có nhu cầu phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ thông qua đại lý phân phối, KBNN thông báo về kế hoạch tổ chức phát hành trên trang điện tử của Bộ Tài chính, KBNN và sở giao dịch chứng khoán để các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đăng ký tham gia làm đại lý phân phối.

Thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành phải bao gồm một số nội dung như: điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu (đồng tiền phát hành, kỳ hạn, mệnh giá, phương thức thanh toán gốc, lãi); khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành; thời điểm dự kiến phát hành, phương thức phát hành. Thông tin về việc lựa chọn đại lý phân phối gồm: điều kiện đối với đại lý phân phối, thời hạn và địa điểm nhận hồ sơ đăng ký làm đại lý phân phối.

Các đại lý cũng phải xây dựng phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu với các nội dung cơ bản: dự báo về tình hình thị trường trái phiếu và khả năng phân phối trái phiếu; kế hoạch thực hiện đối với việc phân phối và thanh toán trái phiếu; đề xuất mức phí phân phối và thanh toán trái phiếu.

Kênh dẫn dắt cho trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu Chính phủ, điểm tựa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tài chính, thị trường TPCP thời gian qua đã vận hành rất ổn định, hiệu quả và theo đó, việc khung pháp lý cho thị trường TPCP tiếp tục hoàn thiện sẽ nâng cao hơn nữa vai trò dẫn dắt các công cụ tài chính khác của TPCP. Đặc biệt theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, đó là một trong những yếu tố nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển lâu dài của toàn bộ thị trường trái phiếu nói chung.

Phân tích kỹ hơn về việc này, ông Quỳnh cho biết, trong việc phát triển thị trường vốn, TPCP bên cạnh mục tiêu huy động vốn để phục vụ các nhu cầu đầu tư công thì sản phẩm tài chính này còn có những vai trò khác cũng rất quan trọng. Trong đó, một yếu tố cần quam tâm đó là sản phẩm có tính chất tham chiếu cho các loại trái phiếu và công cụ nợ khác có cùng kỳ hạn, qua đó, TPCP trở thành trụ cột để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp về mặt lâu dài. Theo ông Quỳnh, để phát huy tốt vai trò này thì TPCP khi được phát hành nên cân đối đa dạng hóa kỳ hạn để có công cụ đối chiếu với các kỳ hạn tương tự của trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh thì thành phần quan trọng của thị trường là các tổ chức trung gian trên thị trường. Đây phải là các đối tượng chuyên nghiệp, có kiến thức, phải có đạo đức nghề nghiệp khi tư vấn, phục vụ các nhà đầu tư, các tổ chức trung gian.

Một trong những điểm mới khác của Nghị định 83 là các quy định về điều kiện làm đại lý phân phối TPCP. Đó là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có chức năng cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, các đại lý phải có mạng lưới hoạt động đáp ứng việc phân phối và thanh toán TPCP; có phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trái phiếu ngoại tệ

Ngoài trái phiếu bằng đồng Việt Nam, một trong những nội dung mới trong Nghị định 83 là các nội dung sửa đổi quy định về trái phiếu ngoại tệ. Theo quy định mới, căn cứ nhu cầu huy động của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành TPCP tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đề án bao gồm các nội dung cơ bản sau: mục đích phát hành; khối lượng phát hành; điều kiện, điều khoản của trái phiếu: kỳ hạn, mệnh giá phát hành; đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu; lãi suất phát hành. Một số nội dung khác của đề án còn bao gồm phương thức phát hành trái phiếu (đấu thầu, bảo lãnh hoặc phát hành riêng lẻ); đối tượng mua trái phiếu theo quy định tại nghị định này và pháp luật về quản lý ngoại hối; việc đăng ký, lưu ký và giao dịch.