Tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong đó, một số kết quả nổi bật được các đại biểu đánh giá, thảo luận tại hội nghị là tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD… Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

Nguồn: Tổng cục Thống kê						    	     	   Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được tập trung. Các lĩnh vực văn hóa được quan tâm hơn; tích cực triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, hiệu quả.

Bên cạnh kết quả cơ bản đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Những hạn chế, bất cập đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Không chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, năm 2022, mặc dù khó khăn, thách thức lớn hơn, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn và toàn diện hơn năm 2021. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, qua đó đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nêu rõ chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay.

Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện

Trân trọng lĩnh hội, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả" với tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được; tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

Cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số vấn đề mang tính định hướng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó nêu rõ yêu cầu: cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tết; tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2022 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư tin tưởng sau hội nghị này, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII.

“Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022! Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang kỳ vọng, đòi hỏi và trông chờ ở chúng ta, ở các đồng chí!” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cho năm 2023

​​​​​Chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Thứ nhất là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đặc biệt chú trọng ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thứ ba, nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công; xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, tháo gỡ những nút thắt tăng trưởng, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ năm, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Thứ sáu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân…

Thứ bảy, phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm.

Thứ tám, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Thứ chín, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ…