vien

Bệnh nhân đến làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

* PV: Xin ông cho biết, đâu là hạn chế lớn nhất khi áp dụng cơ chế tự chủ với các bệnh viện công lập hiện nay?

- TS. Lê Đình Thăng: Theo tôi, hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa hiểu rõ cơ chế tự chủ mà định hướng của Đảng, Nhà nước đưa ra. Do đó, việc hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát còn gặp khó khăn do cách hiểu rất khác nhau. Các cơ sở y tế công lập cũng chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó dẫn đến chuyện mỗi đơn vị làm một cách, không có sự thống nhất. Để khắc phục, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể, từ đó ban hành cơ chế tự chủ bài bản hơn, rõ ràng, minh bạch hơn để dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

thang

TS. Lê Đình Thăng

* PV: Có ý kiến cho rằng chúng ta chỉ nên thực hiện cơ chế tự chủ cho những bệnh viện công lập ở các thành phố, đô thị phát triển, còn ở những vùng sâu vùng xa thì nên có lộ trình hoặc thậm chí không nên tự chủ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- TS. Lê Đình Thăng: Trước hết, chúng ta phải hiểu đúng thế nào là cơ chế tự chủ. Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không hỗ trợ, Nhà nước cấp ngân sách cũng vẫn là tự chủ một phần. Điều này có nghĩa là các bệnh viện vùng sâu, vùng xa vẫn có thể thực hiện tự chủ, nhưng mức độ tự chủ đến đâu là vấn đề phải bàn.

Đa số chúng ta vẫn hiểu tự chủ là phải tự đi lo, Nhà nước không hỗ trợ. Điều này chưa đúng! Tự chủ là được quyền quyết định những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của mình, trên cơ sở nguồn lực Nhà nước giao, theo quy định của pháp luật; kể cả nguồn ngân sách nhà nước cấp, hay các nguồn thu được cũng được quyết định sử dụng theo quy định, trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình.

* PV: Qua quá trình kiểm toán, ông thấy các bệnh viện thường gặp vướng mắc gì khi thực hiện cơ chế tự chủ?

- TS. Lê Đình Thăng: Một trong những vướng mắc phổ biến ở các bệnh viện hiện nay là quyền thu gì, thu những khoản nào, mà hiện chưa có cơ chế rõ ràng, quy định vẫn chung chung. Hiện các bệnh viện chủ yếu thu viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng bên cạnh đó còn có các dịch vụ đi kèm, thì các bệnh viện chưa rõ có được thu không. Do đó, mỗi bệnh viện làm một kiểu.

Nguồn viện phí từ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cũng đang là vấn đề tranh luận giữa các bệnh viện và BHYT. Khi bệnh nhân hoàn tất khám chữa bệnh, BHYT đã giám sát, nhưng vẫn xuất toán, khiến chi phí khám chữa bệnh thực và số BHYT chi trả chênh lệch nhau, bệnh viện bị hụt nguồn chi trả. Qua số liệu báo cáo kiểm toán, chỉ riêng ở các bệnh viện Bộ Y tế quản lý thì nguồn BHYT nợ các bệnh viện tới 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các bệnh viện nợ các nhà thuốc 7.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng khối bệnh viện Bộ Y tế đã mất cân đối 2.000 tỷ đồng. Tình trạng này ở các bệnh viện địa phương chắc cũng tương tự, cần phải có cơ chế để giải quyết sớm.

* PV: Theo phản ánh của các bệnh viện, hoạt động liên doanh liên kết với các đơn vị bên ngoài cũng gặp nhiều vướng mắc. Ông nhận xét vấn đề này thế nào?

- TS. Lê Đình Thăng: Hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập thực tế không có nhiều rào cản. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều nhà đầu tư thường nhằm vào các bệnh viện có đất đai nhiều. Chúng ta liên kết nhưng không thể để mất quyền sử dụng đất, nên không thể mang quyền đó đi liên kết mà phải liên kết bằng hoạt động chức năng nhiệm vụ của mình.

Vướng mắc chủ yếu với các dự án liên doanh, liên kết đầu tư là thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công rất lâu, đôi khi làm mất cơ hội. Chẳng hạn, nhiều dự án có các thiết bị điện tử hiện đại, nhưng từ lúc lập dự án đến phê duyệt dự án thì thiết bị đó đã lạc hậu, do thời gian quá dài. Tất nhiên, nhìn ở chiều ngược lại thì nếu quy định không chặt chẽ sẽ có nguy cơ bị lạm dụng cơ chế. Đã có những trường hợp bệnh viện lạm dụng liên doanh liên kết để chỉ phục vụ lợi ích trước mắt, không quan tâm lợi ích lâu dài, do đó cần sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

Vấn đề hiện nay là chúng ta phải giải bài toán này thế nào để vừa đảm bảo người bệnh được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc y tế tốt, nhưng cũng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tránh làm thất thoát nguồn lực.

* PV: Có ý kiến cho rằng, nếu không dùng quyền sử dụng đất nhà nước giao thì đơn vị không có vốn để thực hiện liên doanh, liên kết, thưa ông?

- TS. Lê Đình Thăng: Các nhà đầu tư nước ngoài nếu thực sự là đầu tư chiến lược thì đất đai không phải là vấn đề, mà điều quan trọng là chức năng nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong giáo dục, y tế với thương hiệu lâu đời, nhân sự chất lượng cao...

Nhưng theo quan sát của chúng tôi, nhiều dự án chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước, tập trung vào các nhà đầu tư bất động sản, mục đích lâu dài của họ không phải là làm dịch vụ mà là đất đai, bất động sản…

* PV: Xin cảm ơn ông!

H.Y (thực hiện)