Thành lập đoàn giám sát về việc sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 Giám sát nguồn lực phòng, chống Covid: Làm rõ trách nhiệm giải trình Trình Quốc hội cho phép 24 địa phương chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19

Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết lĩnh vực giám sát rất rộng, Đoàn giám sát làm việc rất tích cực để tổng hợp số liệu, làm rõ nhiều vấn đề. Trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát đã phát hiện và nêu ra một số vấn đề để xử lý ngay. Bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về kết quả đạt được, nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, xác định trách nhiệm, các bài học kinh nghiệm và các giải pháp nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

Điểm lại những kết quả chính đạt được trong việc huy động, quản lý, nguồn lực phòng, chống Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính hỗ trợ trực tiếp trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, thực hiện các chính sách: Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; miễn tiền chậm nộp thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán; hỗ trợ lãi suất; giảm giá điện nước, cước dịch vụ viễn thông…; cho phép coi khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là chi phí hợp lý; thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bị đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống còn 0%; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19; Ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát về nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Thanh toán, quyết toán các nguồn lực phòng, chống dịch đúng quy trình, thủ tục

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành. Căn cứ tình hình dịch bệnh, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các đơn vị, địa phương, nguồn tài trợ, viện trợ đã được phân bổ kịp thời hàng hóa viện trợ, tài trợ cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị tiếp nhận cơ bản đã thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 như việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng như hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ NSNN. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự….

Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm, với 27 bài học cụ thể, cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát về nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19
Các lãnh đạo Quốc hội tham dự phiên họp.

Trong đó, Đoàn giám sát đề nghị cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định. Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.

Đồng thời, cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực tế đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan nên không có đủ hồ sơ, tài liệu xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản chênh lệch cao hơn giá công khai được công bố.

Đoàn giám sát đề nghị xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách và huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực.