Câu hỏi đặt ra là vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ nêu số lượng, phương án xử lý mà không nêu tên cụ thể?

Đây cũng là câu hỏi mà cử tri tỉnh An Giang thắc mắc, cũng như kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần công bố cụ thể những ngân hàng hoạt động yếu, nợ xấu nhiều, gây hoang mang trong nhân dân để nhân dân biết.

Trả lời ý kiến trên trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 (khai mạc vào ngày 21/10 tới), Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số lý giải đáng chú ý.

Theo trả lời của cơ quan chuyên trách này, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, nhu cầu được tiếp cận đầy đủ thông tin nói chung và thông tin về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước chú trọng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách và diễn biến kinh tế - xã hội của đất nước.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực được giao quản lý để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin về tiền tệ, ngân hàng của nhân dân. Tuy nhiên, do lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, có tính hệ thống cao, tác động mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh, trật tự xã hội nên đối với những thông tin nhạy cảm, Ngân hàng Nhà nước cần phải cân nhắc rất thận trọng trước khi công bố”, văn bản trả lời ý kiến cử tri cho biết.

Và cụ thể, thông tin về ngân hàng hoạt động yếu kém, nợ xấu nhiều được Ngân hàng Nhà nước xác định là một trong các thông tin rất nhạy cảm với thị trường, tác động mạnh đến tâm lý người gửi tiền và dễ dẫn đến nguy cơ rút tiền hàng loạt, gây ảnh hưởng tới sự ổn định chung của nền kinh tế và quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. “Vì vậy, việc công bố thông tin về ngân hàng yếu, nợ xấu nhiều cần phải được cân nhắc thận trọng trên cơ sở xem xét các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế”.

Ngân hàng Nhà nước cũng dẫn nội dung liên quan có tại đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có yêu cầu: “bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan” và “không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước”.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng điểm lại, từ cuối năm 2011 đến nay, đã có 8/9 ngân hàng yếu kém được phê duyệt phương án xử lý; trong đó 3 ngân hàng đã hợp nhất với nhau và đang tiến hành phương án củng cố, chấn chỉnh; 1 ngân hàng đã sáp nhập vào ngân hàng khác; 1 ngân hàng được hợp nhất với tổ chức tín dụng khác và 3 ngân hàng còn lại đã và đang thực hiện phương án tự chấn chỉnh củng cố.

Trong quá trình tái cơ cấu, tiền gửi và tài sản của người dân tại các ngân hàng yếu kém vẫn được bảo đảm an toàn, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

“Với quan điểm và kết quả cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém như đã nêu ở trên, người dân hoàn toàn có cơ sở để yên tâm khi gửi tiền và giao dịch tại các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng yếu kém đang phải cơ cấu lại nói riêng”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Trước đó, cuối năm 2011 đầu 2012, Ngân hàng Nhà nước thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng và xác định 9 ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, việc không công bố cụ thể và chính thức khiến thị trường xuất hiện nhiều đồn đoán về “danh sách ngân hàng yếu kém” và có xáo trộn nhất định.

Mới đây, Cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài 9 trường hợp nói trên, sẽ tiếp tục nhận diện thêm những ngân hàng yếu kém. Và cho đến nay chưa có thêm thông tin cụ thể.

Nguyễn An