Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị được ổn định trong thời gian 3 năm

Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị được ổn định trong thời gian 3 năm

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Văn Trường, Vụ Trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, để thúc đẩy tiến độ soạn thảo văn bản, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn và phối hợp chặt chẽ từ khâu lấy ý kiến dự thảo đến việc phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

PV: Thưa ông, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL đã đi vào cuộc sống được 2 năm. Là cơ quan tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về việc rà soát, phân loại, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), ông có thể cho biết, tiến độ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về tự chủ hiện nay ra sao?

- Ông Phạm Văn Trường: Ngày 10/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các ĐVSNCL. Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định về cơ chế tự chủ là: Nghị định số 54/2016/NĐ-CP (NĐ 54) quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP (NĐ 141) quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Các bộ khác đã trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong 5 lĩnh vực y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục nghề nghiệp; thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo.

Ông Phạm Văn Trường

Ông Phạm Văn Trường

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL cho các Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có 5 bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, 2 bộ đã dự thảo và lấy ý kiến, các bộ khác đang triển khai xây dựng dự thảo. Riêng Bộ Tư pháp có báo cáo vướng mắc về việc triển khai quy hoạch. Có 7 địa phương đã ban hành quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL cho một số lĩnh vực như Quảng Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hậu Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Về thực hiện sắp xếp lại các ĐVSNCL thuộc quyền quản lý, tính đến ngày 31/3, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của 22 bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, số liệu báo cáo không đầy đủ, toàn diện, có địa phương nêu cụ thể số lượng đơn vị chuyển đổi, có địa phương chỉ đề xuất định hướng chung.

PV: Như vậy, việc xây dựng văn bản hướng dẫn của các bộ ngành còn chậm, theo ông, đâu là nguyên nhân chính?

- Ông Phạm Văn Trường: Theo tôi, việc phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, thời gian lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương kéo dài, có nơi có ý kiến chung chung, có nơi không tham gia ý kiến.

Ngoài ra, trong số các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì có danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN quy định theo lĩnh vực (giáo dục và đào tạo; lĩnh vực y tế - dân số), có danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do các bộ, cơ quan quản lý. Do vậy, các địa phương chưa có căn cứ đầy đủ để ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do địa phương quản lý.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc ngành, lĩnh vực để nghiên cứu, ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Để việc xây dựng văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ nhanh hơn thì các bộ cần chủ động và quyết tâm hơn trong công tác xây dựng văn bản.

PV: Được biết, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương về việc giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL. Ông cho biết cụ thể những hướng dẫn này là gì?

- Ông Phạm Văn Trường: Đối với ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, các bộ, cơ quan Trung ương và UBND tỉnh chỉ đạo các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương án tự chủ tài chính, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, thẩm tra phân loại các ĐVSNCL trực thuộc, gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, có ý kiến. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính, cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại các ĐVSNCL. Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị được ổn định trong thời gian 3 năm theo quy định Nghị định 141 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Đối với các tổ chức KH&CN công lập, các bộ, cơ quan Trung ương và UBND tỉnh, Đại học Quốc gia chỉ đạo các tổ chức KH&CN công lập thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt phương án tự chủ tài chính của tổ chức này. Việc giao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN công lập được ổn định trong thời gian 3 năm theo quy định tại Điều 15 NĐ 54 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực KH&CN.

Đối với các ĐVSNCL trong các lĩnh vực khác các bộ, cơ quan trung ương và UBND tỉnh tạm giao quyền tự chủ tài chính năm 2017 cho các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý theo phương án tự chủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như năm 2016 và được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong từng lĩnh vực và có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của các Nghị định mới.

PV: Xin cảm ơn ông!

B.T - N.P (thực hiện)