FDI

Vốn FDI không lan toả đổi mới công nghệ như kỳ vọng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khu vực FDI đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng, kết quả từ khu vực FDI vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với DN Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số DN có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.

"Mục tiêu về CGCN trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.

Đánh giá về thực trạng CGCN trong khu vực FDI thời gian qua, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới - Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thời gian qua, đổi mới công nghệ đóng góp không nhiều vào sự thay đổi năng suất của Việt Nam. Trong đó, khối DN FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc khá nhiều, chiếm tỷ lệ cao hơn so với DN trong nước. Nhìn chung, so sánh giữa hai khu vực DN trong nước và FDI thì cả hai khu vực DN này đều không có sự khác biệt về mức độ đổi mới công nghệ.

Đồng thời, quá trình đổi mới công nghệ ở Việt Nam chưa bền vững, chủ yếu tập trung vào giảm giá thành sản phẩm hơn là tìm ra sản phẩm mới và thị trường mới. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, yếu tố nội lực của DN là quan trọng nhất và đáng chú ý là việc CGCN của khu vực DN FDI chỉ tác động đến chính DN FDI hơn là lan toả tới khu vực DN trong nước như kỳ vọng.

DN Việt vẫn khó bước vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), mặc dù quy mô của FDI với nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng lên, đóng góp lớn vào tổng đầu tư xã hội, vào xuất khẩu của Việt Nam, khu vực FDI cũng là khu vực có năng suất lao động cao nhất, tuy vậy, bằng chứng về tác động lan toả năng suất của FDI đến DN trong nước ở Việt Nam rất mờ nhạt.

Trích dẫn một nghiên cứu của C.Newman và cộng sự năm 2013, TS Nguyễn Tuệ Anh cho biết ở điều kiện bình thường hầu như không tìm được bằng chứng về tác động lan toả năng suất của FDI. Trong trường hợp có CGCN do "liên kết xuôi", tức là DN trong nước mua đầu vào trung gian từ DN FDI thì DN trong nước có nhận được tác động lan toả năng suất, chủ yếu ở các ngành tập trung FDI và DN 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, khi cho CGCN do "liên kết ngược", tức là DN trong nước bán đầu vào trung gian cho DN FDI, DN trong nước không nhận được tác động lan toả năng suất. Tác động lan toả năng suất cũng có sự khác biệt giữa hình thức liên doanh và 100% vốn nước ngoài.

TS Nguyễn Tuệ Anh nhận xét, qua 30 năm đón nhận dòng vốn FDI, lan toả từ CGCN với DN trong nước nhờ liên kết ngược vẫn còn yếu, khác với trường hợp của nhiều nước phát triển, điển hình là Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chỉ có rất ít các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Nguyên nhân là do nhiều DN trong nước chưa liên kết sản xuất được với DN FDI, mặc dù khu vực FDI mở rộng quy mô. Thực tế này cho thấy sự hạn chế của Việt Nam trong khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng như chất lượng FDI vào Việt Nam.

Để khắc phục hạn chế này, TS Nguyễn Tuệ Anh đề nghị chú trọng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để DN cạnh tranh lành mạnh, hợp tác và liên kết. Đồng thời, thu hút FDI phải hướng tới tác động lan toả. Theo đó, chính sách phải hướng tới tăng tương tác giữa DN FDI và trong nước, khuyến khích hình thức liên doanh và cân nhắc các điều kiện với loại hình 100% vốn nước ngoài. Với DN trong nước, chính sách phát triển DN cần hướng tới tăng quy mô của DN, khuyến khích quy mô lớn, phát triển cụm ngành tạo điều kiện liên kết.

Hoàng Yến