trần tuấn anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 15/11. Ảnh nguồn TTBC Quốc hội.

Việc gây lãng phí tại 5 dự án lớn được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhưng cũng còn nhiều đại biểu vẫn chưa thỏa mãn và có thêm câu hỏi tranh luận, nhằm không để tái diễn tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với 5 dự án thua lỗ, tồn đọng nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công thương thừa ủy quyền của Chính phủ cũng đã có báo cáo sơ bộ về 5 dự án này.

“5 dự án này đều được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện từ năm 2000 và kéo dài cho tới nay, với nhiều lĩnh vực khác nhau. Tùy từng lĩnh vực và dự án cụ thể do tính đặc thù, nên đã có diễn biến khác nhau, kéo dài qua nhiều thời kỳ. Do đó, để có đánh giá chung tổng thể thì rất khó, nhưng Bộ Công thương xin lược trích một số vấn đề”, Bộ trưởng nói.

Cụ thể, tất cả những dự án này sau khi được phê duyệt đầu tư đều có quá trình triển khai xây dựng quá dài so với lộ trình được phê duyệt, ví dụ như: Dự án Xơ sợi Đình Vũ; dự án Ethanol Phú Thọ; Dự án Đạm Ninh Bình;... thậm chí dự án Đạm Ninh Bình không chỉ kéo dài trong quá trình đầu tư, mà cho đến nay còn không quyết toán được đầu tư, mặc dù nhà máy đã đi vào hoạt động.

Đồng thời, các dự án này trong quá trình triển khai đều rơi vào lúc thị trường thế giới có biến động, khi các dự án bị kéo dài quá lâu thì sự ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án càng lớn hơn.

Bộ trưởng cho biết, tại từng dự án có đặc thù riêng, nhưng nguyên nhân có một số điểm chung dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, tồn đọng những vướng mắc. Theo đó, năng lực của chủ đầu tư còn kém, mà ở đây khẳng định là theo phân cấp của khung pháp lý là các tập đoàn, tổng công ty 91. Với tư cách là chủ đầu tư thì các đơn vị này đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt, thẩm định phương án đầu tư, cũng như các nội dung cụ thể của báo các khả thi; những quyết định đầu tư đó, kể cả về công nghệ và vấn đề tổ chức khác như tư vấn, giám sát, nhà thầu,...

Một nguyên nhân khác là do năng lực còn hạn chế của các ban quản lý dự án, cũng như các đối tượng trực tiếp được phân công cụ thể tại các dự án.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năng lực trong lĩnh vực đám phán, ký kết, quản lý các hợp đồng thực hiện các dự án này cũng hạn chế; có nghĩa là cũng có liên quan tới năng lực thực hiện dự án của các nhà thầu, trong đó có cả các nhà thầu nước ngoài.

“Chính sự hạn chế trong nguồn nhân lực của chúng ta dẫn đến các dự án này bị kéo dài, việc thực hiện không suôn sẻ và không đúng, thậm chí nhiều dự án không thực hiện theo đúng như quy định của hợp đồng, cũng như các nội dung đã được phê duyệt”, Bộ trưởng nói.

Chưa dừng ở đó, theo người đứng đầu ngành Công thương, các dự án khi có vướng mắc, đã có sự can thiệp của các cơ quan quản lý các cấp; tuy nhiên, những giải pháp can thiệp cũng không mang lại hiệu quả. Do vậy, tại 5 dự án này, khi đi vào hoạt động, hiệu quả kinh tế không có và giả sử các dự án đó nếu được vận hành thương mại thì cũng không thể cạnh tranh được, thậm chí một số dự án doanh thu sẽ không đủ bù chi phí.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, quan điểm của Chính phủ cũng như các bộ ngành khi tổ chức đánh giá lại các dự án này thì phải làm đầy đủ, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan; căn cứ vào các quy định chung của pháp lý để làm rõ trách nhiệm, cũng như bài học kinh nghiệm rút ra.

Các giải pháp xử lý đối với các dự án này cần được xem xét một cách toàn diện phù hợp với các quy định của pháp lý, cũng như các nguyên tắc của kinh tế thị trường, nhưng phải đảm bảo an toàn vốn, tài sản, lợi ích của nhà nước, cũng như các DNNN.

Cùng với đó, phải có những giải pháp dựa trên những nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với xu thế của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, xem xét làm rõ trách nhiệm và có hướng khắc phục hiệu quả thông qua quy định chung của pháp luật bao gồm bán dự án, hoặc cho thuê, hoặc là cổ phần hóa, giao cho các doanh nghiệp cùng khai thác, thậm chí tuyên bố phá sản.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, hiện Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành xử lý các dự án này. Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành đã có giải trình với Chính phủ và đề xuất một số biện pháp cụ thể. Dự kiến, sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ sẽ có chỉ đạo các bộ, ngành về hướng xử lý; đồng thời, sẽ có xử lý trách nhiệm và đưa ra bài học rút kinh nghiệm để không tái diễn hoặc xảy ra tình trạng tương tự.

Bộ trưởng nói: “Trong vấn đề xử lý trách nhiệm, chúng ta phải làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ, toàn diện theo đúng quy định của pháp luật. Vì khung pháp lý thay đổi qua từng thời kỳ nên cần đánh giá đúng vào từng giai đoạn cụ thể để xem xét rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ tổ chức đến cá nhân. Bên cạnh đó, phải làm rõ nguyên nhân nào là khách quan, nguyên nhân nào là chủ quan, cái nào là vô tình, cái nào là cố ý. Trong báo cáo mới đây tại Quốc hội, chúng tôi đã có nêu lên một số đánh giá, trong đó không loại trừ việc cố tình làm sai, làm không đúng trách nhiệm quản trị của các chủ đầu tư dự án. Hiện nay, tại một số dự án đã có kết luận của Thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước, thanh tra tài chính, một số dự án đang tiến hành làm,... do đó sẽ có báo cáo tổng hợp, cụ thể tới Quốc hội sau”.

“Đối với việc cố tình sai phạm sẽ xem xét trách nhiệm tới cùng, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định./.

Duy Thái