trần nợ công

Nợ công và hiệu quả đầu tư công là hai vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Ảnh: DT

Không nên nới trần nợ công

Nợ công là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận tổ chiều 22/10. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, hiện có một số ý kiến đề nghị nâng trần nợ công, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Phó Thủ tướng cho rằng, chỉ tiêu về nợ công đã được Chính phủ bàn bạc, cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng và quyết định giữ trần nợ công chung là 65%. Thực sự, việc giữ được ở mức trần này đã là một sự cố gắng, phấn đấu mệt mỏi, gian nan.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích rõ hơn, về kế hoạch tài chính 5 năm, trên tinh thần là phải bám vào các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng, các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Trong giai đoạn 2016 – 2020, đề xuất của Chính phủ vẫn giữ trần nợ công là 65% GDP. Như vậy, khi trần chung vẫn được giữ đồng nghĩa với việc sẽ cắt nợ chính phủ bảo lãnh, mà thực chất điều này đã cắt.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm: Việc giữ trần là quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta có được những chỉ tiêu tài chính tốt. Vấn đề quan trọng hơn, nợ chúng ta vay về phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả. Trần nợ công được giữ vững sẽ giúp vị thế, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế.

“Cũng may mắn là thời gian qua, tỷ lệ vay trong nước của Chính phủ đã tăng lên, giảm tỷ lệ vay nước ngoài. Điều này giúp chúng ta có thể tăng tự chủ trong nước, đặc biệt là thời gian qua, cơ cấu kỳ hạn trái phiếu đã được kéo dài hơn rất nhiều so với trước đây. Việc đa dạng và tăng kỳ hạn huy động trái phiếu chính phủ đã giúp cho đỉnh trả nợ được giãn ra”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích thêm, sắp tới đây, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ giảm, tăng tỷ trọng nắm giữ của các tổ chức bảo hiểm, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, ... Như vậy, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các ngân hàng vẫn có vai trò quan trọng, nhưng khi có thêm các tổ chức khác tham gia thì kỳ hạn trái phiếu sẽ được kéo dài.

Trả lời cho câu hỏi, tại sao Chính phủ phải kiên quyết giữ trần nợ công? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, thời hạn trả nợ mặc dù đã được tái cơ cấu theo hướng kéo dài hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn ngắn. Cùng với đó, so với giai đoạn 2011-2013 lãi suất nợ vay đã giảm rất nhiều, gần như một nửa; nhưng so với mặt bằng chung quốc tế vẫn còn cao. Hơn nữa, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách vẫn còn cao.

Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tới đây, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ công tiệm cận dần theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái cơ cấu thu chi ngân sách

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định rằng, tái cơ cấu đầu tư công phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách; đồng thời phải bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Muốn thế, ngân sách nhà nước chỉ dành đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất làm “mồi” để lan toả và phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. Cùng với đó, thời gian tới, hiệu quả đầu tư công phải tăng lên.

“Cố gắng tăng thu để tăng chi; nhưng chi tiêu phải trong khả năng của nền kinh tế. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng cho hay, bài học của giai đoạn trước, chúng ta vẫn chưa khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, dù Chính phủ đã có chỉ thị, nhưng cơ bản vẫn chưa khắc phục.

Đồng quan điểm trong vấn đề đầu tư công trung hạn, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, ngân sách hiện nay gặp khó khăn vì chi thường xuyên rất lớn, chi đầu tư có tăng, nhưng vẫn ít so với yêu cầu. Do đó, cần tính toán để chi cho hiệu quả là vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay.

"Tiền ít mà đầu tư không hiệu quả dẫn đến lãng phí và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác tới nền kinh tế. Vì thế, khi chọn đầu tư công phải chọn những dự án mang tính bức xúc, những công trình nhỏ thì hạn chế đầu tư mới, mà tập trung di tu sửa chữa hợp lý. Công trình đầu tư mới phải đem lại hiệu quả đột phá, không thể cứ dàn trải mãi mà không mang lại lợi ích gì", ĐB Nguyễn Văn Thể nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho hay, sau khi có Chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thì trung ương hay địa phương phải chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt. “Ai làm đội vốn thì người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Duy Thái