Diễn biến lạm phát vẫn đang đi đúng hướng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số lạm phát chung đạt 5,6% trong quý I/2020, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ 2019. Lạm phát lõi cũng ghi nhận ở mức 3,1% - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cả hai chỉ số trên đã và đang giảm dần qua từng tháng kể từ tháng 12/2019.

“Chúng tôi nhận thấy khả năng cao lạm phát sẽ sớm giảm xuống dưới ngưỡng 4% kể từ nửa sau của năm 2020 do ảnh hưởng tích cực từ sự lao dốc của giá dầu thô, điều hành và kiểm soát chặt chẽ giá thực phẩm và chương trình hỗ trợ giá điện” - chuyên gia của VDSC nhận định.

“Nhìn chung, diễn biến lạm phát đang đi đúng hướng. Đây là yếu tố trọng yếu trong bối cảnh sự ổn định kinh tế vĩ mô chung đang gặp nhiều thách thức” – VDSC nhấn mạnh.

lạm phát

Cũng theo các chuyên gia này, lạm phát sẽ được hưởng lợi từ nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ thông qua việc cắt giảm 10% tiền điện sinh hoạt và sản xuất để hạn chế tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 trong thời hạn 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Đại bộ phận hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ khoản trợ cấp trên.

Nhìn chung, “Chính phủ - “bàn tay hữu hình”, đang nỗ lực để điều phối hoạt động kinh tế và chèo lái nền kinh tế qua cơn bão dịch bệnh hiện nay. Chúng tôi cho rằng, áp lực lạm phát đang đi đúng hướng và khả năng sẽ suy giảm đáng kể trong thời gian tới. Điều này sẽ trực tiếp mở rộng dư địa điều hành chính sách trong nửa cuối của năm 2020” – chuyên gia của VDSC cho hay.

Giá xăng dầu và thịt lợn đang ủng hộ

Báo cáo của VDSC cho biết, sự lao dốc của giá dầu thô gợi nhớ lại giai đoạn 2014 - 2015 khi giá mặt hàng năng lượng này đã giảm trên 70% trong 18 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử lạm phát tại Việt Nam gần như “biến mất”. Hiện tại, giá dầu thô đã đánh mất 2/3 giá trị chỉ trong 3 tháng và các nhà sản xuất, khai thác dầu thô đang bị thương tổn khi các thành viên OPEC+ không đạt được thỏa thuận về điều tiết sản lượng.

Tại Việt Nam, tác động của giá dầu thô sụt giảm nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào quyết định của nhà điều hành. Tính đến hiện tại, VDSC đánh giá cao cam kết kéo giảm lạm phát của Chính phủ khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm 50% trong khoảng thời gian rất ngắn. Cơ chế truyền dẫn giá kể trên đang có tác động tích cực tới sức khỏe tài chính của từng hộ gia đình.

Chuyên gia của VDSC cho biết thêm, trong khi sự điều tiết giá xăng dầu diễn ra suôn sẻ thì sự phi tập trung trong thị trường thịt lợn trở thành bài toán hóc búa làm đau đầu các nhà điều hành và đòi hỏi nỗ lực lớn để điều chỉnh giá mặt hàng thực phẩm thiết yếu này xuống. Kể từ tháng 11/2019, giá thịt lợn đã tăng gấp đôi và duy trì quanh ngưỡng đỉnh do tác động từ dịch tả lợn châu Phi (ASF) khiến nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tích trữ gia tăng liên tục dưới tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19.

Như hệ quả tất yếu, phân nhóm thực phẩm đóng góp tới 4% trong mức tăng chung của chỉ số lạm phát trong quý I/2020. Mặc dù thịt lợn chưa được đưa vào danh sách mặt hàng cần bình ổn giá, các nhà chức trách đang rất nỗ lực nhằm hạ giá bán lẻ thông qua kế hoạch tái đàn cẩn trọng.

Đáng chú ý, các nỗ lực điều tiết thị trường bước đầu có kết quả khả quan khi các nhà sản xuất thịt lợn lớn trong nước cam kết cắt giảm giá bán đầu ra xuống 70.000 đồng/kg kể từ 1/4/2020. Hơn nữa, VDSC cho rằng, có cơ sở để kỳ vọng giá thịt lợn sẽ chính thức giảm 1/4 kể từ mức đỉnh trước đó./.

D.T