Áp thuế giá trị gia tăng với phân bón sẽ giúp giảm giá thành
Việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách thuế với phân bón thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh tư liệu.

Gỡ bất cập lớn trong chính sách thuế giá trị gia tăng với phân bón

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thống nhất giải trình, tiếp thu nhiều nội dung của dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Đồng thời, còn một số nội dung cần xin ý kiến UBTVQH, trong đó có nội dung về áp thuế GTGT với phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp.

Theo Chủ nhiệm UBTCNS, hiện trong Thường trực UBTCNS có 2 luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và cơ quan soạn thảo, vì khi Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế GTGT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua. Các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế GTGT đầu vào, phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế. Sự bất cập về cơ chế cần được đưa trở lại đúng quỹ đạo của thuế GTGT.

Theo quan điểm này, việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chiếm 26,7% thị phần), đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,3% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến trong UBTVQH cũng bày tỏ lo ngại việc áp thuế suất 5% sẽ ảnh hưởng tới giá thành phân bón, ảnh hưởng tới người nông dân. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang dẫn số liệu trong báo cáo đánh giá tác động cho hay, nếu áp thuế 5% thì mỗi một năm ngân sách thu về khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng. Như vậy, việc có thể giảm được giá bán cho phân bón là chưa thuyết phục, bởi giá thành với giá bán là hoàn toàn khác nhau, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ý kiến.

Có cơ sở để giảm giá bán, giữ thị trường

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, thời gian qua chính sách không chịu thuế đối với phân bón và nhiều hàng hóa vật tư nông nghiệp khác tưởng là ưu đãi nhưng thực ra tạo một gánh nặng rất lớn cho ngành hàng trong nước. Ví dụ với phân bón, các khoản thuế GTGT trong chi phí sản xuất bình quân 6% đến 8%, nhưng lại không được hoàn thuế. Trong khi đó phân bón nước ngoài nhập khẩu do chính sách miễn thuế nên không phải chịu thuế GTGT này. Vì vậy, phân bón sản xuất trong nước khó cạnh tranh hơn với phân bón nhập khẩu.

Đại diện VCCI cũng chia sẻ với quan điểm lo ngại việc áp thuế 5% cho phân bón có thể làm tăng chi phí. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, năng lực sản xuất phân bón của chúng ta rất lớn, nếu áp dụng thuế 5% thì có nghĩa là hàng nhập khẩu cũng chịu 5% và hàng trong nước thì có chi phí sản xuất giảm. Như vậy, phân bón trong nước có cơ sở để tăng sản lượng, chiếm lĩnh thị trường.

Với lập luận như vậy, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng phải tính toán để vừa tự chủ được năng lực sản xuất, giữ được thị trường phân bón trong nước, đồng thời có cách thức truyền thông phù hợp để có góc nhìn đầy đủ về vấn đề này.

Tham gia ý kiến, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra, trong cơ cấu giá thành, doanh nghiệp căn cứ chi phí đầu vào để tính giá bán và lợi nhuận. Nếu áp thuế theo mức 5%, như vậy giá bán phải cộng thêm 5% thì có thể tưởng rằng giá phân bón sẽ tăng, người dân chịu thiệt. Tuy nhiên, lâu nay trong cơ cấu giá thì thuế đầu vào không được khấu trừ. Khi áp thuế thì doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào trong chi phí, như vậy giá thành hay giá bán ra vẫn có lợi cho người dân.

“Chắc chắn giá bán sẽ phải xuống chứ không thể nào doanh nghiệp cộng với 5% thuế đầu ra để tính tăng lên cho người dân chịu thiệt. Bởi vì, rõ ràng về nguyên tắc anh được khấu trừ thuế đầu vào và lớn hơn 5% nữa rồi thì đảm bảo được giá bán thấp hơn so với khi chưa đánh thuế 5%” - ông Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm.

Tại phiên họp UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cũng làm rõ thêm khía cạnh này. Theo Thứ trưởng, thực tế khi áp thuế 5% là để cho doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, ở mức cao hơn 5%, có thể là 10% đối với một số mặt hàng. Số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp cho thấy, sau khi áp dụng thuế sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo, đánh giá đầy đủ tác động liên quan, phân tích ưu cũng như nhược điểm của từng phương án để lựa chọn tối ưu.

Áp thuế giá trị gia tăng với phân bón sẽ giúp giảm giá thành

Chịu thuế 5% không có nghĩa sẽ làm giá phân bón tăng

“Chúng tôi nhất trí với quan điểm của ban soạn thảo là phân bón chịu thuế 5% nhưng điều này không có nghĩa sẽ làm giá phân bón tăng. Phân bón là mặt hàng chúng ta có thể kiểm soát giá được, nên lo ngại tăng giá dù cũng có cơ sở nhưng nếu chủ động và kết hợp nhiều giải pháp khác nữa thì có thể khắc phục được” - Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn.