Nạn tín dụng đen vẫn tồn tại

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sáng 29/5, có các ý kiến đại biểu nêu vấn đề thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay, trong thời gian qua, lợi dụng khó khăn, bất cập trong tiếp cận nguồn vốn, vay vốn để sản xuất của nông dân, một số loại tội phạm đã hình thành các đường dây, ổ nhóm cho vay lãi nặng mà chúng ta hay gọi là tín dụng đen.

Ngay sau khi phát hiện tình hình đó nổi lên ở các địa phương, nhất là vùng liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, Bộ Công an đã kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương mở nhiều đợt cao điểm tấn công triệt xóa, quyết liệt, rốt ráo các ổ nhóm liên qua đến tín dụng đen; bắt và xử lý hàng nghìn đối tượng, với phương châm phát hiện đến đâu xử lý đến đấy. Đến nay, nạn tín dụng đen đã có sự thuyên giảm, an ninh trật tự ở nông thôn đã được bảo đảm.

Ngoài ra, Bộ Công an tập trung chỉ đạo công an địa phương phối hợp với các ngân hàng tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, nắm tình hình, phát hiện cập nhật kịp thời các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của đối tượng này ngay ở địa bàn cơ sở; đồng thời, tăng cường tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung thể chế liên quan đến phòng ngừa, xử lý loại tội phạm này.

"Vừa qua, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, giao thêm quyền xác minh xử lý ban đầu đối với các loại tội phạm, trong đó có loại tội này cho công an xã... Tỷ lệ thông tin liên quan đến cho vay tín dụng đen và lừa đảo tài sản qua lợi dụng công nghệ cao được lực lượng công an xã xác minh giải quyết ngay từ đầu đã thuyên giảm… góp phần ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp kịp thời với ngành Ngân hàng tham mưu cho Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn, bảo đảm tín dụng để giảm bớt sơ hở trong lĩnh vực này" - ông Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thực hiện nhiều giải pháp hạn chế tín dụng đen

Làm rõ vấn đề xung quanh tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng thừa nhận, năm 2017 phía ngân hàng đã đi khảo sát thực tế và ghi nhận được rất nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ đó, ngành Ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen. Vì vậy, từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến...

Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Công an đi khảo sát ở Hòa Bình, những nơi vùng sâu vùng xa nhận ra 2 vấn đề. Muốn hạn chế tín dụng đen, tăng cường tín dụng chính thức thì phía các tổ chức tín dụng phải tăng cường tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu được rằng vay vốn chính thức ngân hàng không khó khăn như nhiều người nói và ngại đến ngân hàng.

Bên cạnh đó, kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý người dân để làm sao có điều kiện để người dân nắm được nhân thân, cũng như mục đích vay vốn chính đáng chứ không phải vay vốn để lô đề cờ bạc. "Chúng tôi cho rằng, hai vấn đề đó hiện nay chúng tôi đang cùng phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương,.. bài trừ tín dụng đen" - ông Đào Minh Tú cho biết.

Trước vấn đề tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Ngân hàng nghiên cứu thêm về vấn đề này. Chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp. Các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn.

Thủ tướng cho rằng, việc chống tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen./.