Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hồi phục

PV: Theo kết quả số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2024, ông có đánh giá gì?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19. Do vậy, ở quý I/2024 mặc dù có tăng cao hơn nhưng nếu dựa vào mức nền năm ngoái thì đây cũng là mức tăng trưởng tương đối. Đây chỉ là mức tăng trưởng theo hình tuyến tính chứ không phải là một đường cong “mỹ miều”.

Những chính sách thực hiện trong năm 2023 đã bắt đầu phát huy tác dụng, điều này thể hiện rõ nét ở quý I/2024. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 5,66% - là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Nếu đối chiếu với kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6,0 - 6,5%. Tuy nhiên, mới chỉ ở quý I/2024 đã đạt mức tăng 5,6%. Như vậy, trước bối cảnh của tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới, khu vực và tình hình của Việt Nam thì con số tăng trưởng này là tương đối khớp.

Và kết quả này cũng khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

Đặc biệt trong quý II/2024, tôi dự đoán rằng các hiệu quả của chính sách sẽ còn phát huy mạnh mẽ hơn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Cần cân nhắc bài toán tỷ giá để duy trì mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2024

Kết quả đạt được ở quý I/2024 đã khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)

PV: Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, về tổng thể ông có đánh giá thế nào về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Như tôi đã nói, kinh tế hiện tại tuy tăng trưởng nhưng chưa gọi là đột phá, nếu nói đã qua “cơn bĩ cực” thì chưa, do vậy vẫn còn đang khó khăn.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam định hướng là xuất khẩu nhưng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính trên thế giới hiện nay đều yêu cầu sản phẩm xanh. Do vậy, yêu cầu bức thiết của chúng ta là phải chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cũng như sản xuất xanh.

Điển hình, dệt may, da giày là một bằng chứng, khi chúng ta chậm chuyển đổi thì Bangladesh đã lấy đi những đơn hàng từ các thị trường của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất dệt may, da giày của Việt Nam bây giờ mới bắt đầu chuyển đổi.

Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “hồi máu” nên cần nhiều thời gian để đạt mức tăng trưởng cao như giai đoạn trước dịch. Bởi tác động từ nền kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng đến Việt Nam trong quá trình hồi phục trong thời gian tới. - PGS. TS Nguyễn Hữu Huân.

Thêm nữa, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh đòi hỏi phải đầu tư, thay thế máy móc thiết bị, dây chuyền để đáp ứng tiêu chuẩn xanh nên chi phí sẽ rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến đa số các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Bởi các doanh nghiệp này sẽ không đủ chi phí để đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng cao của thế giới.

Trước đây, chúng ta đều xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ,... Nhưng bây giờ tiêu chuẩn đòi hỏi cao hơn nên chúng ta phải tìm kiếm những thị trường phù hợp hơn như Trung Đông, Đông Nam Á…

"Trong nguy có cơ"

PV: Trước tình hình diễn biến kinh tế thế giới đang có nhiều biến số bất định và khó lường. Bối cảnh này Việt Nam đang đối diện với thách thức gì cho sự phát triển nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Về tình hình thế giới, hiện nay chúng ta không thể nào dự báo được tương lai kinh tế toàn cầu. Bởi vì căng thẳng về chính trị diễn ra liên tục và thường xuyên hơn so với trước đây.

Về tình hình trong nước, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng đang có xu hướng tăng.

Thêm nữa, thị trường bất động sản vẫn đang “đóng băng”. Bài toán về trái phiếu, thị trường chứng khoán vẫn đang được giải quyết nên cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Cần cân nhắc bài toán tỷ giá để duy trì mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2024
Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đối mặt vấn đề khó khăn nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội nhất định cho Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Trong ngắn hạn, tình hình bất ổn ở Trung Đông nhiều khả năng sẽ tác động lên giá dầu, ảnh hưởng đến tâm lý và giá nguyên vật liệu, qua đó gây áp lực lên lạm phát.

Lãi suất của Fed sẽ không giảm trong ngắn hạn, kể cả trong quý II/2024. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc kinh tế thế giới chậm phục hồi, đồng nghĩa xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi nền kinh tế có độ mở lớn.

Đáng chú ý, nhờ Chính phủ cùng các bộ, ngành đã thực hiện hàng loạt các chính sách tài khoá và tiền tệ trong năm ngoái nên năm nay bắt đầu phát huy tác dụng từ từ. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần cân nhắc về độ trễ của chính sách để điều hướng cho phù hợp. Tức là khi nền kinh tế bắt đầu có dấu thừa tiền và lạm phát gia tăng thì phải cân nhắc nâng nhẹ lãi suất để kiềm chế lạm phát cũng như hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá.

Chúng ta phải buộc lòng lựa chọn giữa việc ổn định tỷ giá hay là tăng lãi suất. Nếu ổn định tỷ giá thì phải tăng lãi suất, nhưng khi tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế. Còn nếu không tăng lãi suất thì áp lực lên tỷ giá vẫn cao vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và nước ngoài lớn thì khối ngoại sẽ rút ròng nhiều. - PGS. TS Nguyễn Hữu Huân.

PV: Vậy theo ông liệu "trong nguy cơ có cơ" hay không và cần có giải pháp gì trong ngắn hạn và dài hạn?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều đối mặt vấn đề khó khăn, nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội nhất định cho Việt Nam.

Chẳng hạn như sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, do lo ngại chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành cơ hội cho Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được nhiều hơn.

Thời gian qua, nhờ Chính phủ điều hành mà Việt Nam ký kết những hợp đồng, nghị định song phương và đa phương. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam sắp tới trong việc hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới, mở rộng được nhiều thị trường hơn.

Bên cạnh đó, đội ngũ lao động Việt Nam đang tương đối tốt nhưng cần phải tập trung hơn về năng suất lao động cũng như trình độ lực lượng lao động nếu như nước ta thu hút được nguồn vốn FDI nhiều hơn.

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn không có giải pháp nào toàn vẹn cả, chúng ta vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và chấp nhận tỷ giá tăng ở mức tương đối, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thì tăng trưởng sẽ đạt 6% trong năm 2024, theo đúng mục tiêu đề ra và đây là bán toán đánh đổi, nếu ưu tiên cho tăng trưởng thì sẽ phải hy sinh tỷ giá và ngược lại.

Trong dài hạn, chúng ta phải tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, tập trung vào 1 số ngành công nghệ chủ chốt, tránh đầu tư dàn trải kém hiệu quả và không tạo được lợi thế cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động Việt Nam so với các nước cùng cấp ở trong khu vực là thấp hơn nhiều, chỉ bằng 2/3 so Thái Lan và 1/8 so với Singapore.

Do vậy, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng suất lao động và đây chính là chìa khoá tạo động lực cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn./.

PV: Xin cảm ơn ông !