Cần thiết nghiên cứu đánh thuế kinh doanh vàng để ngăn đầu cơ
Khuyến khích người dân yêu cầu người bán xuất hóa đơn, để làm cơ sở xác định đối tượng được miễn thuế khi bán. Ảnh tư liệu

PV: Thời gian qua, giá vàng trong nước luôn neo ở mức cao và có diễn biết hết sức phức tạp. Một phần nguyên nhân là do giá vàng thế giới biến động, một phần do cơ chế độc quyền và công tác quản lý hoạt động kinh doanh lĩnh vực này chưa thật sự chặt chẽ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cần thiết nghiên cứu đánh thuế kinh doanh vàng, ngăn đầu cơ

PGS. TS Lê Xuân Trường: Vàng là loại hàng hóa đặc biệt, bởi lẽ, vàng không chỉ là kim loại quý có giá trị cao với nhiều ưu điểm nổi trội, có thể sử dụng làm đồ trang sức, làm nguyên liệu quan trọng để sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị cao. Với những đặc tính vốn có, một bộ phận không nhỏ dân cư coi đây là loại tài sản có giá trị cao và ổn định, đặc biệt, trong tương quan so sánh với giữ tiền trong điều kiện lạm phát cao.

Diễn biến giá vàng phức tạp như thời gian qua có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân cơ bản là do tác động từ hành vi đầu cơ lũng đoạn thị trường để trục lợi của những người kinh doanh và đầu tư. Thêm vào đó, tâm lý đám đông và sự kém hiểu biết về tài chính của một bộ phận dân cư cũng là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường vàng biến động như thời gian qua.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước cần có các chính sách và thực hiện các biện pháp để đảm bảo thị trường vàng phát triển lành mạnh, tránh những tác động xấu cho nền kinh tế.

PV: Không chỉ các chuyên gia kinh tế, một số đại biểu Quốc hội vừa qua cũng có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất đánh thuế kinh doanh vàng nhằm góp phần ngăn việc đầu cơ vàng, để góp phần bình ổn giá vàng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Rất nên tính đến đề xuất này. Thực tế không phải đợt biến động bất thường của giá vàng lần này, mà trong những năm gần đây đã có nhiều đợt thị trường vàng biến động bất thường do nhiều yếu tố, nhưng hoạt động đầu cơ lũng đoạn của một nhóm các nhà kinh doanh và đầu tư là một trong những yếu tố chủ yếu.

Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng như các hộ kinh doanh vàng đều phải nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân). Tuy vậy, những đối tượng khác khi bán vàng chưa phải nộp thuế. Trong khi đó, các tổ chức hoặc cá nhân bán chứng khoán hoặc bất động sản đã phải nộp thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc thuế thu nhập cá nhân).

Trước đây, do điều kiện công nghệ chưa cho phép kiểm soát tốt các giao dịch mua, bán vàng để đánh thuế, việc đánh thuế khó phát huy hiệu quả trong việc góp phần hạn chế đầu cơ vàng. Nhưng với công nghệ hiện đại như ngày nay, khi ban hành chính sách thuế đối với kinh doanh vàng thì hoàn toàn có thể kiểm soát tốt giao dịch để thu thuế.

PV: Mặc dù đề xuất đánh thuế đối với việc kinh doanh vàng, song theo các chuyên gia kinh tế, chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để đầu cơ, mua đi bán lại, không đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ. Vậy theo ông, đối tượng nào sẽ phải chịu thuế là hợp lý?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Với mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng thì chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua đi, bán lại để đầu cơ, không nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ. Nhu cầu tích trữ vàng với tư cách là một loại tài sản có giá trị cao và không mất giá theo thời gian để dự phòng, hoặc để tích lũy đủ lớn cho các khoản đầu tư khác trong tương lai là nhu cầu chính đáng của người dân thì không nên đánh thuế đối với giao dịch này.

Về mặt kỹ thuật, để không đánh thuế đối với loại giao dịch này cần quy định đối tượng miễn thuế theo thời gian nắm giữ vàng kể từ khi mua đến khi bán ra, chẳng hạn như thời gian nắm giữ tối thiểu 183 ngày trở lên khi bán ra được miễn thuế.

Quy định này cũng khuyến khích người dân yêu cầu người bán xuất hóa đơn, để ghi nhận ngày mua làm cơ sở xác định đối tượng được miễn thuế khi bán. Hệ thống giao dịch điện tử được lưu trữ theo quy định pháp luật cũng là một trong những cơ sở dữ liệu hỗ trợ xác định quãng thời gian nắm giữ để miễn thuế trong trường hợp này.

PV: Theo ông, ngoài giải pháp nghiên cứu đánh thuế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm những giải pháp nào để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giữ bình ổn thị trường vàng trong nước?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Ngoài giải pháp về thuế như trên, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường vàng, cần xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, bởi lẽ quy định như vậy làm hạn chế đối tượng cung cấp vàng miếng, là một trong những động cơ thúc đẩy đầu cơ vàng miếng.

Thêm vào đó, pháp luật cần quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh vàng phải lắp đặt thiết bị giám sát tự động các giao dịch kinh doanh gắn với xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng để kiểm soát toàn bộ giao dịch kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vàng.

Ngoài ra, để đánh thuế hiệu quả đối với giao dịch vàng, cũng cần phải giám sát chặt chẽ toàn bộ các giao dịch kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vàng.

PV: Xin cảm ơn ông!