Gia hạn nộp thuế như một khoản doanh nghiệp vay ngắn hạn không lãi
Các khoản hỗ trợ từ Chính phủ có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp và người dân. Ảnh: tư liệu minh họa

PV: Nghị định số 64/2024/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Xin ông phân tích rõ thêm về ý nghĩa của việc tiếp tục gia hạn một số sắc thuế nêu trên dành cho người dân và doanh nghiệp hiện nay?

Gia hạn nộp thuế hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh
TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện trong nửa đầu năm 2024, nhưng tốc độ tăng còn khá chậm và vẫn thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2024 ước đạt khoảng 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%. Tuy nhiên, đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều, nhất là khu vực tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường so với DN thành lập mới mặc dù đã được cải thiện so với năm 2023, nhưng vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn trong tình trạng đáng báo động.

Tăng trưởng tín dụng cũng rất khó khăn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất, nhưng tăng trưởng tín dụng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 cũng chỉ đạt 3,79% so với cuối năm 2023.

Những con số trên cho thấy, tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2024 sẽ còn khó khăn, nếu không có những biện pháp quyết liệt từ Chính phủ và các bộ, ngành thì mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024 sẽ khó đạt được. Trước tình hình đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân.

Gia hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp chủ động, tự tin hơn

Ông Nguyễn Duy Đa - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng đang sản xuất, chế biến sâu hàng nông sản có chu kỳ xoay vòng vốn chậm hơn so với một số loại hình sản xuất kinh doanh khác.

Việc gia hạn tiền thuê đất đã tác động trực tiếp, hiệu quả đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp lại càng cộng hưởng thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Việc tiếp tục sử dụng gói hỗ trợ tài khóa thông qua các chính sách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là lý do để Chính phủ ban hành Nghị định 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

PV: Theo ông, tác động cụ thể của việc gia hạn thời hạn nộp thuế khi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp hiện nay là gì?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, bản chất của chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất được xem như Nhà nước cho các doanh nghiệp vay một khoản tiền có thời hạn mà không phải trả lãi. Khoản hỗ trợ này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với DN và người dân.

Đối với DN, nhất là những DN đang bị suy giảm nghiêm trọng về tài chính, sẽ giúp cho họ tiếp tục duy trì hoạt động, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đối với người lao động, khi DN hoạt động khởi sắc trở lại sẽ thu hút lao động vào làm việc, tạo nhiều công việc làm, giảm thất nghiệp và góp phần cải thiện đời sống người lao động.

PV: Theo ông, khi tiếp tục được thụ hưởng chính sách nhân văn này, về phía DN cũng như người dân, cần tận dụng cơ hội này như thế nào để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Để các khoản hỗ trợ này thực sự phát huy tác dụng, đạt mục đích đề ra, các DN cần sử dụng một cách có hiệu quả nhất những khoản hỗ trợ này thông qua các hoạt động tái cấu trúc DN; nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cơ cấu lại thị trường, nghiên cứu cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ, tránh sử dụng lãng phí hoặc không có hiệu quả các khoản hỗ trợ, có như vậy chính sách hỗ trợ mới mang lại hiệu quả thực sự cho các DN cũng như cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng cần trang bị tâm thế sẵn sàng, chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức, linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén nắm bắt cơ hội để phục hồi, bứt phá trong tình hình mới, không ỷ lại trông chờ vào các khoản hỗ trợ từ Nhà nước.

PV: Đó là phía doanh nghiệp - đối tượng được thụ hưởng chính sách, về phía cơ quan quản lý, cụ thể là các bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục vào cuộc như thế nào để chính sách sớm đi vào cuộc sống?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả của các chính sách hỗ trợ là việc triển khai thực hiện chính sách thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả thực tế mang lại chưa được như mong muốn, nhất là thời gian giảm thuế, giãn thuế có hiệu lực khá ngắn. Để chính sách giảm thuế, giãn thuế sớm phát huy tác dụng, theo tôi, các bộ, ngành liên quan cần quan tâm thực hiện các biện pháp sau:

Trước hết là cơ quan thuế ở các địa phương, sớm ban hành công khai các quy trình thủ tục gia hạn nộp các loại thuế, phí cụ thể để người dân và doanh nghiệp được rõ và chủ động triển khai thực hiện; công bố đường dây nóng giải đáp các vướng mắc để người nộp thuế dễ dàng được giải đáp khi có vướng mắc trong áp dụng; đẩy nhanh việc giải quyết hoàn thuế cho DN...

Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình hoạt động...

PV: Xin cảm ơn ông!