Làm gì để chặn mua bán hóa đơn khống từ khâu đăng ký kinh doanh?
Ảnh minh họa

Thực trạng báo động

Thời gian qua, khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý hàng chục vụ vi phạm về mua bán hóa đơn khống, hóa đơn không hợp pháp để thu lợi bất chính, trốn thuế, chiếm đoạt số tiền thuế của nhà nước, với số tiền lớn.

Điển hình vào cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sách điều tra (CSĐT) Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra và truy tố vụ án hình sự về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn" và "trốn thuế", xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước, đề nghị truy tố 22 bị can. Đường dây này do bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang cầm đầu; thực hiện mua bán khống 34.000 hóa đơn, trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.

Tại Cơ quan CSĐT, những người trong đường dây này khai nhận, từ năm 2018 đến khi bị bắt đã sử dụng chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD) của người thân, mua ở tiệm cầm đồ, thành lập nhiều "công ty ma" tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Sau đó, nhóm này thông qua mạng xã hội giới thiệu, chào bán hóa đơn giá trị gia tăng. Sau khi có khách liên hệ mua thì đường dây này sẽ ghi khống nội dung, giá tiền (theo yêu cầu của khách), mức giá thỏa thuận là 1,5% - 2% giá trị ghi trên hóa đơn chưa thuế.

Liên quan đến vi phạm về hóa đơn thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của việc thành lập doanh nghiệp theo quy định để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập doanh nghiệp "núp bóng" sản xuất kinh doanh nhưng mục đích chính là bán hóa đơn khống, thu lợi bất chính. Một số doanh nghiệp thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Theo đó, các đối tượng kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp ngân sách nhà nước; hoặc sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn. Bên cạnh đó, có đối tượng sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thuế đề xuất phương án: kiểm soát thông tin cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp và yêu cầu giải trình nếu vi phạm trước khi đăng ký. Với doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, sẽ không được thành lập doanh nghiệp khác...

Bên cạnh tăng cường công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện thủ tục đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông, nhằm ngăn chặn người nộp thuế gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử thông qua công tác đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế.

Siết chặt từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp

Theo đề xuất của Tổng cục Thuế, khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin về cá nhân người thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp vi phạm do cơ quan thuế quản lý. Sau đó, cơ quan chức năng cập nhật danh sách cảnh báo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đối với cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật do Tổng cục Thuế cung cấp nêu trên.

Cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển thông tin đã đồng bộ, xác thực định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp cho Tổng cục Thuế để cập nhật thông tin tại cơ sở dữ liệu về đăng ký thuế đảm bảo thống nhất.

Trên cơ sở đó, cơ quan thuế, cơ quan hải quan sẽ truyền thông tin vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh để kiểm tra và phối hợp xử lý chấp thuận/không chấp thuận hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp.

Làm gì để chặn mua bán hóa đơn khống từ khâu đăng ký kinh doanh?

Hội thảo khoa học về quản lý thuế và hóa đơn điện tử tại TP. Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh tư liệu minh họa

Về xử lý người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, Tổng cục Thuế kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp của các doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, không được tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp khác.

Hoặc, các đối tượng đó phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đã không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký trước khi tham gia thành lập doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp mới.

Theo ông Nguyễn Văn Thức – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đại lý thuế và báo cáo tài chính, việc đề xuất trên của Tổng cục Thuế là rất cần thiết, rất đúng và trúng, phù hợp trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, chúng ta nên chung tay siết chặt quản lý để hạn chế các đối tượng lợi dụng chính sách để mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế.

Ông Thức cho rằng, ngoài những đề xuất trên, cơ quan chức năng nên quản lý bằng các biện pháp như: Khi thành lập doanh nghiệp mới, các thành viên phải đảm bảo về góp vốn (ví dụ, phải chuyển khoản qua ngân hàng trong thời gian 90 ngày), tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp ảo, vốn ảo… Các tổ chức tín dụng cũng cần thông tin về tình trạng góp vốn cho cơ quan chức năng.

Khi có giấy phép kinh doanh, muốn sử dụng hóa đơn điện tử thì người đại diện pháp luật phải trực tiếp làm các thủ tục để cán bộ thuế xác minh xem có đúng là người thành lập doanh nghiệp hay không? Có kinh doanh thật hay không?..., tránh tình trạng dùng giấy tờ giả để thành lập doanh nghiệp nhằm bán hóa đơn bất hợp pháp.

Khi làm thủ tục tạm dừng kinh doanh, doanh nghiệp cần có xác nhận của cơ quan thuế không có nợ thuế, không có sử dụng hóa đơn của các đối tượng mua bán hóa đơn bất hợp pháp tại thời điểm cần làm tạm dừng.

Khi một cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh thì cần cập nhật lên hệ thống đăng ký kinh doanh mới. Cá nhân này sẽ không được phép góp vốn làm ăn và thành lập công ty mới dưới bất kỳ hình thức nào, để bắt buộc họ phải có trách nhiệm với doanh nghiệp mà mình đứng đại diện pháp luật...

Tổng cục Thuế đề xuất sửa quy định tại nghị định đăng ký kinh doanh để rút ngắn thời gian thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp trạng thái "06-NNT" - không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký từ 1 năm còn 90 ngày, kể từ ngày công khai thông tin người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, nếu doanh nghiệp không báo cáo, không giải trình với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.