Chắp cánh cho vùng Đông Nam Bộ bay cao
TP. Hồ Chí Minh theo quy hoạch sẽ là cực tăng trưởng của cả vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: TL

Hướng đến vùng thu nhập cao, ngang bằng các nước phát triển

So với các vùng còn lại của cả nước, Đông Nam Bộ là vùng có vị trí địa lý rất thuận lợi. Ngoài việc là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, vùng còn có hệ thống cảng biển nước sâu với năng lực vận chuyển hàng hóa thông qua chiếm 62% khối lượng hàng hóa vận chuyển container qua cảng biển toàn quốc.

Đặc biệt, hệ thống cảng Sài Gòn (Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước...) đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam trong các hoạt động ngoại thương, đứng trong top 20 cảng lớn nhất thế giới năm 2020.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có lưu lượng vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế lớn nhất cả nước, sân bay quốc tế Long Thành đang được khẩn trương xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025.

Đông Nam Bộ cũng là vùng có những đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, với hệ thống khu, cụm công nghiệp ở vùng phát triển bậc nhất cả nước gắn với các hành lang kinh tế. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa đứng đầu cả nước (67,3%), được phân bố tương đối hợp lý, diện mạo ngày càng hiện đại với các trung tâm dịch vụ tài chính - ngân hàng, thương mại, logistics, trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ…

Với những tiềm năng như vậy, Đông Nam Bộ đang được Trung ương dồn lực với mục tiêu đến năm 2030 trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực, với mức phấn đấu đạt ngưỡng thu nhập cao; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao ngang bằng với các nước phát triển; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại.

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới...

Bệ phóng Nghị quyết 24

Chú thích ảnh

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là "kim chỉ nam" và là bệ phóng xây dựng và là bệ phóng phát triển vùng.

Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành đã tích cực triển khai như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số và phát triển kinh tế số; các quy định pháp luật được rà soát, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết cơ quan điều phối trong vùng.

Mặt khác, vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và bảo đảm tính khả thi; đặc biệt là đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng gắn với công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của các địa phương trong vùng.

Mới đây, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vào tháng 7/2023. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.

Chính phủ cũng thực hiện điều tiết ngân sách của các tỉnh, thành phố trong vùng để các địa phương có nguồn ngân sách đầu tư phát triển các ứng dụng nền tảng số nhằm thúc đẩy chính quyền số. Hiện tại, đã có hai trong sáu địa phương (TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai) được tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại.

Đột phá từ 3 trụ cột để khai phóng hết tiềm năng

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, về cấu trúc phát triển, vùng Đông Nam Bộ sẽ gồm 3 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, 2 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông, vùng động lực quốc gia với TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng…

Trong đó, tiểu vùng trung tâm (gồm TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương, phía tây nam tỉnh Đồng Nai) ưu tiên cho dịch vụ chất lượng cao về tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục - đào tạo; công nghiệp công nghệ cao, chuyên sâu; đầu mối giao thương quốc tế.

Tiểu vùng ven biển (khu vực Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát triển kinh tế biển như: cảng biển, logistics, khai thác và chế biến dầu khí, du lịch biển đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản…

Tiểu vùng phía bắc (các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics, công nghiệp chế biến nông lâm sản, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng, trồng cây công nghiệp, bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Vai trò quan trọng của vùng Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế đất nước cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu tâm tại buổi họp bàn về hoàn thiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ hồi cuối năm 2023. Thủ tướng nhấn mạnh, vùng có đủ điều kiện để trở thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước, nên việc quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tinh thần chung là kiến tạo phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Tập trung tìm ra các giải pháp căn cơ để phát triển

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 24, các thành viên trong vùng Đông Nam Bộ đã tập trung tìm ra các giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh phù hợp điều kiện của từng địa phương, từng tỉnh, thành phố và không thể tách rời việc nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn, từ đó xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của toàn vùng mà mục tiêu Nghị quyết 24 đã đề ra.