Năm 2023: Giải ngân ít nhất 95% trong tổng vốn đầu tư công hơn 700 nghìn tỷ đồng Đã giao hơn 707 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 Đề nghị phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để giảm tình trạng "phải đôn đốc nhau" giải ngân

Sáng 21/2, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã trao đổi nhiều ý kiến xung quanh nội dung thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Lo được tiền nhưng triển khai lại khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mục đích cuộc họp hôm nay là để giải quyết những khó khăn trong triển khai đầu tư công. Thực tế trước đây, khó khăn nhất trong đầu tư là không có tiền để làm. Còn hiện nay, chúng ta đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được.

Phân tích những vướng mắc, tồn tại trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị và cần được xem xét, giải quyết.

Chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị

Trong đó, 2 lĩnh vực vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác chuẩn bị đầu tư và việc thực hiện đầu tư. Trong chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng lấy ví dụ quy định hiện hành là “khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư”, như vậy khi bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được.

“Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết" - lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững…

Đối với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, quy định là cấp tỉnh phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù.

Về kiến nghị của các trường đại học liên quan đến vay vốn Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Tài chính cho biết, theo chương trình vay và cho vay lại thì phải có tài sản đảm bảo. Hiện nay chỉ có Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là có tài sản đảm bảo, còn lại các trường đại học không có. Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp là đề nghị Ngân hàng Thế giới cho Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thực hiện trước.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng dự án

Chia sẻ tại hội nghị về thực tế triển khai, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công ở lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, 2022 là một năm rất nhiều biến động đối với ngành Y tế. Thời điểm cuối tháng 7 khi Bộ trưởng về nhận nhiệm vụ thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lúc đó mới đạt 5%, thấp nhất trong tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Chính vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung triển khai, trong đó chú trọng các giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, rà soát, điều chỉnh các dự án, làm việc với các dự án chậm để có giải pháp hỗ trợ. Từng dự án vướng mắc đã được lãnh đạo bộ làm việc để tháo gỡ khó khăn. Một trong những giải pháp là tăng cường trao đổi với các địa phương, nơi mà các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng, các cơ sở y tế tại các địa phương để tháo gỡ khó khăn các vấn đề liên quan đến vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Từ đó, tỷ lệ giải ngân của ngành Y tế từ 5% đã tăng lên 69,10%, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 83,32%. Đối với kế hoạch năm 2023, vốn của Bộ Y tế 2.063,4 tỷ đồng, trong đó vốn theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 1.465 tỷ đồng, cho 15 dự án khởi công mới. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã thực hiện thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án này.

Chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Công tác kế hoạch sẽ tiếp tục được cải tiến

Đánh giá về công tác giải ngân năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả đạt được của năm 2022 rất tích cực, với tỷ lệ giải ngân là 93,5%. Đây là thành quả của quá trình nỗ lực trong năm 2022 từ trung ương đến địa phương, nhất là từ những chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, các tổ công tác; sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các bộ ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến một số kiến nghị vướng mắc về trình tự thủ tục vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác kế hoạch cho đến nay đã được đổi mới nhiều và sẽ được cải tiến tiếp.

Chủ động tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Giai đoạn trước đây, quy trình kế hoạch là "2 lên 3 xuống, 5 quy trình", đến nay rút gọn chỉ còn "1 lên 2 xuống". 1 xuống đầu tiên là sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị về xây dựng kế hoạch hàng năm kèm theo thông báo kiểm tra vốn đầu tư công, sau đó các bộ, ngành xây dựng kế hoạch của mình và chỉ gửi đúng 1 lần lên, gửi để tổng hợp kế hoạch, sau khi trình sang Quốc hội, Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng chỉ giao 1 lần xuống. Như vậy chỉ có 1 lần lên và 2 lần xuống. Điều này cho thấy công tác kế hoạch cơ bản được cải tiến tốt và tiếp tục được cải tiến hơn nữa.

Về quy trình dự án, Luật Đầu tư công và Luật số 03 năm 2022 đã tiếp tục phân cấp một cách triệt để và đến nay về cơ bản đối với các địa phương, các dự án trong nước, từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương.

Đối với vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng, đất lúa, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, đây là một hạn chế nhưng muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, mà sửa luật là câu chuyện lớn và phải có chương trình, bước đi chắc chắn.

Về quy hoạch tổng thể quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Quốc hội đã phê duyệt, nhưng hiện nay 41 hợp phần không thể giải ngân được. Lý do là các bộ, ngành không phê duyệt thẩm định kết quả nghiên cứu của các hợp phần làm cơ sở để thanh toán, quyết toán vốn. Do đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành khẩn trương phê duyệt thẩm định kết quả để làm cơ sở thanh toán./.