Bà Rịa - Vũng Tàu: Phân bổ hơn 90% kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư Hai dự án trọng điểm quốc gia có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch vốn Năm 2023: Giải ngân ít nhất 95% trong tổng vốn đầu tư công hơn 700 nghìn tỷ đồng

Sáng 21/2, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã trình bày về thực tế triển khai tại địa phương, về những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm hay và đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ những rào cản, nút thắt trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công.

Cương quyết đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh được phân bổ vốn là 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của trung ương, 55.200 tỷ vốn của địa phương. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phân bổ xong 100% vốn trung ương, vốn địa phương còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, còn 26.000 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giải ngân vốn đầu tư năm 2022 và phương hướng năm 2023, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, của Sở Kế hoạch và Đầu tư, của phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực, đã cho ý kiến về những khó khăn vướng mắc, nhất là những thủ tục phối hợp với các ngành với nhau, thủ tục về giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cương quyết nửa đầu năm nay công tác mặt bằng phải đảm bảo được cho các dự án.

Đề nghị phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để giảm tình trạng

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

TP. Hồ Chí Minh cũng tiến hành củng cố lại các tổ công tác, trong đó có tổ giải phóng mặt bằng, tổ các dự án vốn lớn; tổ ODA; ban hành các văn bản, các quy định, chương trình hành động và các chỉ đạo cụ thể cho từng dự án. Về công tác giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3, dự kiến đến ngày 15/6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng cho nhà đầu tư, khởi công dự án này kịp trong tháng 6/2023.

Đối với các công trình trọng điểm, chủ yếu có vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến việc phối hợp với các đơn vị để di dời điện, nước, viễn thông… Cuối năm 2022, thành phố đã giải quyết những nút thắt này để đến năm 2023, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ nhằm giải quyết các vướng mắc. "Rút kinh nghiệm năm 2022, TP. Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện tốt hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023" - ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền để giải ngân nhanh hơn

Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, đến tháng 9/2022 Hà Nội giải ngân chưa được 50%, khi đó đoàn công tác của Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với TP. Hà Nội. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác của Thủ tướng, TP. Hà Nội đã chủ động tích cực nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tập trung về trách nhiệm, giá cả. Đến 31/1/2023, TP. Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (87,8%), đây là sự nỗ lực rất lớn của thành phố.

Đồng tình với những khó khăn, vướng mắc được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch TP. Hà Nội nêu rõ có rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. Trong bối cảnh quy định pháp luật chưa sửa đổi kịp thời, ông Trần Sỹ Thanh đề xuất có một nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội về tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, các trưởng ngành để sớm tháo gỡ những khó khăn này.

"Hiện giờ một dự án thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác, chặn về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1 - 2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau" - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị.

Đối với năm 2023, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Đến cuối tháng 2/2023, Hà Nội cũng đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng, tương đương 5,5% kế hoạch năm 2023.

Kiến nghị về một số vướng mắc, bên cạnh kiến nghị về vốn ODA cho Nhà máy nước thải Yên Xá, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng cho hay còn có Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31/12, Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11. Tuy nhiên, đến nay thủ tục và quy trình đang quá chậm. Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội cũng kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Đầu tư công về nội dung bố trí vốn đầu tư công.

Đề nghị phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để giảm tình trạng
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Tập trung tháo gỡ vướng mắc chậm nhất trong 10 ngày

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất với báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các ý kiến phát biểu của các địa phương, đặc biệt là những ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn về công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa; các quy trình, thủ tục của các dự án đầu tư.

Chia sẻ một số kinh nghiệm mà tỉnh đã thực hiện để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hàng tuần, lãnh đạo tỉnh nghe tất cả những khó khăn, vướng mắc của từng dự án. UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phân công lãnh đạo nghe các đơn vị báo cáo để từ đó trực tiếp chỉ đạo.

Đồng thời, bản thân Chủ tịch UBND tỉnh cũng ngồi trực tiếp lắng nghe, cùng tháo khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc tập trung tháo gỡ chậm nhất 10 ngày sau khi đã nghe tất cả các báo cáo, đặc biệt là vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai… có như vậy mới tháo gỡ kịp thời để giải ngân được.

Với điểm nghẽn lớn là giải phóng mặt bằng, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, phải chỉ đạo từ khi bắt đầu công tác kiểm kê ở cấp xã phường, tỉnh giao cho các phòng ban, thành phố cùng ngồi để tháo gỡ, thống nhất định hướng làm như thế nào cho hợp lý, đúng quy định, không để mất thời gian, bởi đây là khâu nếu không làm kỹ từ cơ sở sẽ vướng. Đồng thời, phải lo các chính sách về nơi ở mới, nhà tái định cư cho người dân, để khi người dân chuẩn bị giải tỏa là có nơi ở ngay.

Về công tác giá đất, HĐND của địa phương phải nghe trước, bởi nếu không làm công tác phối hợp tốt ngay từ đầu sẽ mất nhiều thời gian. Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp làm việc với địa phương cùng họp bàn triển khai, tháo gỡ ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, dù có chính sách giải phóng mặt bằng tốt, triển khai tốt nhưng không phải 100% người dân đồng thuận hết. Do đó, tỉnh phải phải triển khai khâu tuyên truyền thật tốt để người dân hiểu rõ được lợi ích từ các chính sách của Nhà nước.

Quảng Ninh: Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về giải ngân

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, năm 2022, Quảng Ninh đã giải ngân được 121% (báo cáo của Bộ Tài chính), thực tế tỉnh đã giải ngân được là 127%.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh được giao số vốn là 14.971 tỷ, trong đó vốn địa phương là 13.700 tỷ, vốn trung ương là 1.200 tỷ. Đến nay, tỉnh đã giải ngân đến nay xấp xỉ 15% vốn của năm 2023; đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch tỉnh làm Tổ trưởng và phân công cụ thể cho các sở, ngành, chủ tịch các địa phương gắn với trách nhiệm, gắn với thi đua khen thưởng, nếu không làm được sẽ thu hồi vốn về để giao lại cho các địa phương khác.

Trong năm 2023, Quảng Ninh chỉ khởi công mới 7 dự án trên địa bàn toàn tỉnh; yêu cầu các địa phương tập trung vào các dự án này.