Doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng để tăng trưởng 2 con số Đẩy mạnh đầu tư công giúp doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh "Chìa khóa" để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc Ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường carbon

Thiếu sự liên kết giữa các thành phần kinh tế

Kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau gần 40 năm đổi mới, đóng góp hơn 40% vào GDP và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ phụ trợ hoặc sản xuất quy mô nhỏ, thiếu sự tham gia sâu vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, năng lượng tái tạo hay hạ tầng.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sự tách biệt giữa ba thành phần kinh tế là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển. Trong khi DNNN nắm giữ các lĩnh vực then chốt như năng lượng, viễn thông, hạ tầng; FDI tập trung vào sản xuất xuất khẩu; thì doanh nghiệp tư nhân thường chỉ đóng vai trò bổ trợ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp.

Sự thiếu liên kết giữa ba thành phần kinh tế không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn khiến Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi thế hội nhập toàn cầu.

"Chẳng hạn, trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiếm khi tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao, như sản xuất linh kiện công nghệ cao hay cung cấp nguyên liệu đầu vào cho FDI. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, làm giảm giá trị gia tăng nội địa và hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế" - TS. Huỳnh Thanh Điền nói.

DNNN từ lâu được xem là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu. Tuy nhiên, như TS. Huỳnh Thanh Điền chỉ ra, tư duy bao cấp, sự can thiệp hành chính quá mức và việc đảm nhận nhiều lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hơn đã khiến hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Các quy định pháp lý phức tạp và thiếu linh hoạt cũng hạn chế khả năng đổi mới sáng tạo của DNNN, khiến họ khó cạnh tranh trong môi trường kinh tế thị trường.

Trong các định hướng gần đây, Chính phủ đã liên tục nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đổi mới mạnh mẽ, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nâng cao năng suất lao động. DNNN được kỳ vọng giữ vai trò dẫn dắt, chú trọng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, DNNN cần được trao quyền tự chủ lớn hơn, giảm bớt các ràng buộc hành chính và tập trung vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia, như xây dựng hạ tầng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa hay khai thác tài nguyên ở những khu vực khó khăn.

Giải pháp nào để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là nền tảng để phát triển bền vững. Ảnh: Lạc Nguyên

Hài hòa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm và rủi ro

Một số mô hình hợp tác giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Ví dụ, dự án mạng 5G của Viettel từ năm 2021 đã hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất linh kiện, phát triển phần mềm đến cung cấp giải pháp kỹ thuật. Sự hợp tác này không chỉ giúp tối ưu chi phí, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Tương tự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với tư nhân trong các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, miền Trung và miền Nam, từ sản xuất tấm pin mặt trời, turbine gió đến công nghệ lưu trữ năng lượng. Những mô hình này không chỉ giảm áp lực lên lưới điện quốc gia mà còn thúc đẩy chuyển đổi xanh và tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực công nghệ cao.

TS. Huỳnh Thanh Điền đề xuất rằng DNNN nên tập trung vào các lĩnh vực chiến lược, đồng thời tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào các khâu phụ trợ. Chẳng hạn, Tân Cảng có thể xây dựng cảng biển, nhưng tư nhân đảm nhận các dịch vụ kho bãi, vận tải hay hải quan. Điều này không chỉ giúp DNNN giảm tải mà còn tạo cơ hội cho tư nhân phát triển, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể của nền kinh tế.

Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực chính, như tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW, Việt Nam cần thay đổi tư duy về vai trò của các thành phần kinh tế. TS. Huỳnh Thanh Điền cũng đề xuất sửa đổi các quy định để đặt kinh tế tư nhân làm trung tâm. DNNN nên đóng vai trò “bà đỡ”, tạo nền tảng hạ tầng và công nghệ để tư nhân vươn lên, thay vì cạnh tranh trực tiếp với tư nhân trong các lĩnh vực mà họ có thể làm tốt hơn.

Giải pháp nào để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI
Phát triển các ngành phụ trợ, dịch vụ là thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: T.L

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sự kết nối giữa DNNN, tư nhân và FDI cần dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, được hỗ trợ bởi một hệ thống thị trường minh bạch, không phân mảnh. “Môi trường kinh doanh cần thân thiện, không phân biệt, giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí không chính thức, đúng với chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Lạng khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng đề xuất lượng hóa trách nhiệm kinh tế - xã hội của DNNN theo từng lĩnh vực để đảm bảo minh bạch và công bằng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, từ đó giảm áp lực lên DNNN.

Để hiện thực hóa Nghị quyết 68-NQ/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, đặc biệt là các quy định liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tăng cường phân cấp, phân quyền và trao quyền tự chủ lớn hơn cho DNNN không chỉ giúp họ linh hoạt hơn mà còn tạo điều kiện để hợp tác hiệu quả với khu vực tư nhân, tận dụng sự năng động và sáng tạo của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, như công nghệ cao, năng lượng tái tạo hay hạ tầng. Các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn vay và chuyển giao công nghệ sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp tư nhân vượt qua rào cản về vốn và công nghệ. Đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức và đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng sẽ tạo động lực để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Sự hợp tác giữa DNNN và tư nhân, cùng với sự tham gia của FDI, không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn lực mà còn tạo ra sức mạnh tổng hợp, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên một nấc thang phát triển mới.

Như PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định: “Hài hòa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm và rủi ro giữa các khu vực kinh tế sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững”. Với những cải cách mạnh mẽ và sự đồng lòng từ cả nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể trở thành “ngọn cờ đầu” trong hành trình phát triển của đất nước.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt nền móng cho một nền kinh tế đa thành phần, trong đó kinh tế tư nhân được xác định là động lực cốt lõi. Tuy nhiên, để biến tầm nhìn này thành hiện thực, Việt Nam cần vượt qua các rào cản về thể chế, tư duy và sự thiếu kết nối giữa các thành phần kinh tế.