Cơ hội và thách thức khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon.

Theo các chuyên gia, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam nhằm bắt nhịp thị trường trong nước và quốc tế đối với yêu cầu về sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và phát triển bền vững.

Việc tham gia thị trường carbon thể hiện cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong thu hút đầu tư và khách hàng. Từ đó, nhu cầu tự thân thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Mặt khác, doanh nghiệp có động lực áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm phát thải KNK, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải KNK áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon là mặt hàng bù đắp.

Hiện cả nước có 1.912 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê, báo cáo mức độ phát thải KNK (chủ yếu là phát thải carbon) trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý chất thải. Trong thời gian tới, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng phải kiểm kê phát thải. Trên thực tế, việc kiểm kê mức độ phát thải KNK đã được các doanh nghiệp nói trên triển khai từ năm 2023 và cung cấp thông tin cho các bộ chủ quản.

Tuy nhiên, hiện nay khung pháp lý cho thị trường carbon Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện. Đề án phát triển thị trường carbon đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo lộ trình, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, dự kiến xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và từ năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải KNK./.

Cũng theo các chuyên gia, vấn đề thách thức hiện nay là trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng sang thị trường châu Âu hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng có thể phải chịu tiền thuế carbon do EU thực thi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).