trần quốc khánh

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh T.L

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên nước

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số ĐB tán thành với tờ trình của Chính phủ về tính cấp thiết ban hành Luật Thủy lợi.

Liên quan đến dịch vụ thủy lợi và tài chính thủy lợi, đa số ĐB nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế tài chính từ thu thủy lợi phí sang cơ chế giá dịch vụ thủy lợi.

Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) chính sách này có vai trò quan trọng trong việc định hướng những thay đổi hoạt động thủy lợi, bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác và sử dụng nước, giảm gánh nặng bao cấp từ ngân sách cho đầu tư, duy tu và bảo dưỡng các hệ thống, công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng, báo cáo tác động cần bổ sung làm rõ các yếu tố kinh tế - xã hội nhất là về hiện trạng các công trình thủy lợi hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư, duy tu bảo dưỡng, nhu cầu sử dụng hiện tại và dự báo nhu cầu sử dụng nước, các loại nguồn thu nếu thay đổi về cơ chế giá và đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng sử dụng nước và nhất là đối tượng trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre), ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) tán thành quan điểm chuyển phí thành giá. Tuy nhiên, theo ĐB cần phải phân loại các công trình thủy lợi, từ đó định ra các loại quản lý cho phù hợp, cụ thể cái nào của nhà nước, cái nào thuộc trách nhiệm một thành viên, cái nào có thể cổ phần, cái nào có thể đồng quản lý của cộng đồng và nhà nước, cái nào giao cho cộng đồng...

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) cho rằng, về lâu dài việc chuyển đổi từ phí sang giá sẽ nâng cao trách nhiệm, hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên nước của người sử dụng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đồng thời qua đó sẽ góp phần đưa hoạt động thủy lợi ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về tác động của việc chuyển đổi thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi đến cộng đồng, người sản xuất nông nghiệp, bởi lẽ hiện nay chi phí trong sản xuất nông nghiệp rất cao, lợi nhuận thấp và biến động.

Còn chồng chéo trong quản lý

Cũng tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) cho rằng, còn có sự chồng chéo trong trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, nhất là trách nhiệm quản lý của một số bộ, ngành liên quan còn chưa cụ thể, rõ ràng.

ĐB ví dụ: Khi tiến hành thi công một số công trình giao thông xây dựng cầu, đường thì để xảy ra chia cắt hoặc phá bỏ một số công trình thủy lợi, các kênh dẫn nước, tưới tiêu vào đồng ruộng khiến cho bà con nông dân không có nguồn nước để canh tác, dẫn đến gây thiệt hại mùa màng, sản xuất, tuy nhiên chưa quy trách nhiệm cho ai được.

“Tôi đề nghị quy định rõ ràng hơn việc phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan Trung ương với địa phương khi thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý các công trình có liên quan đến công trình thủy lợi để tránh gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng, dự thảo Luật chưa cho thấy có trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong vấn đề thực hiện pháp luật về thủy lợi. ĐB đề nghị bổ sung trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

ĐB cũng đề nghị cần nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý ô nhiễm môi trường nước phù hợp với Luật Bảo vệ tài nguyên, môi trường, vì nước sạch mới đảm bảo phục vụ thủy lợi, nước ô nhiễm sẽ rất bất lợi; với trách nhiệm của các bộ, ngành hiện nay cần quy định rõ ràng đảm bảo tính thống nhất.

Bên cạnh đó các ĐB cũng kiến nghị nhiều nội dung dự Luật cần bổ sung. Cụ thể, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho rằng, với quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng tiềm lực quốc phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà cụ thể xây dựng khu vực phòng thủ phải được chuẩn bị từ thời bình. Do vậy, ĐB đề nghị trong luật này nên bổ sung các công trình thủy lợi quy mô lớn, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, các công trình ở ven biển, vùng biên giới, hải đảo phải có tính lưỡng dụng kết hợp chặt chẽ, phục vụ sản xuất nông nghiệp với xây dựng khu vực phòng thủ.

“Nếu có thêm điều này, trong tương lai các công trình quy mô lớn hoặc các công trình ở vùng ven biển, bãi ngang, các quần đảo, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, vùng biên giới, vùng ATK, vùng đồng bằng sông nước, quá trình quy hoạch, đầu tư các công trình dân sinh nói chung, thủy lợi nói riêng được ưu tiên, được quan tâm đúng mức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB lý giải "hiện nay đất nước đang khó khăn ở mức độ nào đó nhưng trong tương lai, đến năm 2030 thế hệ con cháu chắc phải nghĩ đến những việc lớn hơn. Ví dụ, các công trình thủy lợi dọc tuyến biển để bảo đảm an ninh quốc gia, quốc phòng lưỡng dụng, như vậy rất tốt..."./.

Hồng Chi