Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, nguyên nhân vì sao?

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2023.

Ngay từ đầu giờ sáng đã có 153 ĐBQH đăng ký phát biểu; thảo luận tại tổ có 242 ý kiến, cho thấy các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đại biểu Quốc hội hiến kế tháo gỡ khó khăn về thị trường, vốn vay cho doanh nghiệp
Đại biểu Tô Ái Vang: "Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp lúc này là đơn hàng, tiếp đó là vốn vay".

Các ĐBQH đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, khi kết quả năm 2022 chúng ta đã đạt được 13/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch Covid -19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

ĐB Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và Nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. “Đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ” - ĐB Đặng Xuân Phương nói.

Theo ĐB Đặng Xuân Phương, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Nhận định về những tồn tại hiện nay, theo ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng), “khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp lúc này là đơn hàng, tiếp đó là vốn vay. Do đó, cần tiếp tục cơ cấu lại lành mạnh thị trường, nhất là thị trường sản xuất”.

Theo nữ ĐB, từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm rồi lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay. Vì vậy, bà Tô Ái Vang đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.

“Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn”.

Dù khó khăn, vẫn kiên định các mục tiêu tăng trưởng

Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng cho rằng, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.

Đại biểu Quốc hội hiến kế tháo gỡ khó khăn về thị trường, vốn vay cho doanh nghiệp
Các ĐBQH trong phiên họp sáng nay 31/5.

ĐB Đặng Xuân Phương cho hay, qua thảo luận ở tổ, các ĐBQH đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.

Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô, Chính phủ cần kiên trì quan điểm đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội 13. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Một số ý kiến đề nghị cần kiên định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và không thực hiện điều chỉnh dù còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết liệt vào cuộc, khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện cho được các mục tiêu đã đề ra.

Để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. ĐB cho rằng, đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường.

Có ý kiến cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm…/.

Né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm trong thực thi công vụ

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, hiện còn một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. ĐB cho biết, ông đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, nhưng còn băn khoăn bởi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, tình trạng này còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.

“Do vậy cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế” - ĐB Trần Quốc Tuấn nói.