Đắk Lắk: Chọn giải pháp phù hợp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Biểu diễn cồng chiêng tại Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: TL

Xác định bước đi

Đắk Lắk hiện có 36 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, Đắk Lắk còn sở hữu nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch gắn với văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, nông nghiệp nông thôn, tạo thành các sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc thù của địa phương, với những di sản được thế giới công nhận như: “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” kết hợp với bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc của 49 dân tộc anh em. Các di sản văn hoá nổi tiếng khác như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, nhà rông...

Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn được biết đến với một cái tên rất đặc thù, “thủ phủ cà phê Việt Nam” và cũng là điểm đến của cà phê thế giới, đây là điều kiện để hình thành các sản phẩm cà phê độc đáo hấp dẫn du khách. Đây cũng là lợi thế vượt trội của Đắk lắk so với các địa phương trong vùng để phát triển du lịch của tỉnh trong tương lai gần.

Để phát triển ngành du lịch xứng tầm, khai thác hiệu quả cao từ nguồn tiềm năng “vô giá” này, thời gian qua, UBND tỉnh đã và đang tạo mọi điều kiên thuận lợi thu hút các nhà đầu tư để phát triển, đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt hơn 3,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 186.385 lượt, khách nội địa ước đạt hơn 3,7 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân (giai đoạn 2018 - 2022) đạt 5,33%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.668 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,41%.

Dự kiến trong năm 2023, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk phấn đấu tổng doanh thu đạt 845 tỷ đồng, đón khoảng 995.000 lượt du khách đến với địa phương.

Theo các chuyên gia, bằng nhiều loại hình phát triển du lịch đa dạng, phong phú được tỉnh Đắk Lắk đầu tư bài bản thời gian qua đang tạo tiền đề quan trọng để doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước tiếp tục đến với Đắk Lắk với hy vọng đem lại thương hiệu cạnh tranh với nhiều loại hình du lịch của cả trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, đến nay tỉnh Đắk Lắk có 17/21 khu, điểm du lịch văn hóa - sinh thái trên địa bàn đã được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định được hình ảnh của mình trên bản đồ du lịch vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước.

Ngoài những điểm đến quen thuộc và nổi tiếng như Khu du lịch Hồ Lắk, Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Cụm thác Dray Nur - Gia Long (huyện Krông Ana), Thủy Tiên (huyện Krông Năng); Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, Bảo tàng thế giới Cà phê, Bảo tàng Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột)… còn có một số địa chỉ nổi lên khá hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách như Vườn sinh thái Troh Bư (huyện Buôn Đôn), Khu du lịch nghỉ dưỡng Đường mòn Cao Nguyên (huyện Lắk), Điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông, buôn Tơng Jú, Khu du lịch sinh thái Suối Ong, Đồi Trầm (TP. Buôn Ma Thuột).

Với những lợi thế sẵn có như thiên nhiên, bản sắc văn hóa; cùng với sự hỗ trợ của chính sách, nhà nước…, một số buôn, làng trên địa bàn tỉnh, đã và đang dần hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.

Đa dạng hóa các loại hình du lịch

Theo bà H'Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk, một khi đã xác định tiềm năng, thế mạnh du lịch ở đây là văn hóa gắn với sinh thái thì nhất thiết phải gìn giữ và bảo tồn bằng mọi giá vốn tài nguyên quý giá ấy. Bởi đó là hai trụ cột quan trọng để chúng ta quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Vì vậy, việc ưu tiên phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa - sinh thái là để giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời bảo đảm "ngành công nghiệp đặc thù" này có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Đắk Lắk: Chọn giải pháp phù hợp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du khách tham quan, chụp ảnh nhà dài truyền thống của người Ê Đê, Đắk Lắk. Ảnh: TL

Theo bà H'Yim Kđoh, để đạt được mục tiêu trên, cần quán triệt và thực hiện các giải pháp được đề ra trong Kế hoạch phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó chú trọng đầu tư, phát triển dịch vụ nông nghiệp, thương mại, du lịch trong các buôn làng; khôi phục làng nghề thủ công truyền thống gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa - sinh thái ở những nơi có điều kiện.

Theo lộ trình đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk tăng cường liên kết, hợp tác giữa các vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh để thiết lập không gian kinh tế du lịch theo hướng đồng bộ, thống nhất về sản phẩm, nguồn nhân lực cũng như công tác quảng bá và xúc tiến du lịch theo định hướng bảo đảm về môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc tại chỗ.

Theo các chuyên gia, những thông tin trên khẳng định bước đi của ngành du lịch Đắk Lắk đã được các cấp lãnh đạo tỉnh hoạch định một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn đặt ra.

Vấn đề còn lại là người dân và cộng đồng làm du lịch ở đây phải biết tìm cách tổ chức, khai thác có hiệu quả, bền vững loại hình du lịch này như lợi thế so sánh, có tính cạnh tranh cao trong khu vực Tây Nguyên và cả nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đắk Lắk theo lộ trình đã định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H'Yim Kđoh cũng cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tuyên truyền người dân, cộng đồng 49 dân tộc anh em trên địa bàn đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác du lịch; tập trung định vị hình ảnh chính xác của du lịch Đắk Lắk, triển khai quảng bá thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa và những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk; đẩy mạnh công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước đã ký kết hợp tác; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động hội nhập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Nhận thức rõ những tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Đắk Lắk tập trung khai thác thế mạnh về di sản văn hóa của 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh; đầu tư hoàn chỉnh các dự án du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay. Đồng thời, phát triển làng nghề, nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông trại trên địa bàn tỉnh.