Giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo nghị quyết kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu Tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác trong mua bán, xử lý nợ Bộ Tài chính ban hành Quy chế tài chính của DATC DATC và Vietinbank ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 - 2027

Tại phiên họp sáng 14/4, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra dự thảo nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu

Theo báo cáo, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Trong thời gian áp dụng, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây. Các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đạt kết quả cao hơn, từ đó bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.

Tuy nhiên, để bảo đảm đánh giá khách quan, cơ quan thẩm tra đề nghị cần đánh giá rõ hơn về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng; hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại nghị quyết; thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu; phân tích rõ hơn việc thực hiện một số quy định về thu giữ tài sản đảm bảo, phối hợp giữa các cơ quan liên quan…

Về đề xuất của Chính phủ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42 trong 2 năm. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị không giữ nguyên toàn bộ nội dung nghị quyết mà cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.

Cụ thể là sửa đổi phạm vi của khoản nợ xấu tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 42 theo hướng không giới hạn thời điểm (15/8/2017) mà áp dụng cơ chế xử lý nợ xấu tại nghị quyết cho tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian áp dụng nghị quyết, do nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, ủy ban này đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng đối với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), do DATC cũng là doanh nghiệp nhà nước, có quy mô vốn lớn và là một chủ thể lớn tham gia mua bán, xử lý nợ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn khối lượng cũng như tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài nghị quyết, tạo sự sôi động trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Xem xét lại chính sách thứ tự ưu tiên thanh toán nợ

Cho ý kiến về Nghị quyết số 42, cũng có quan điểm cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước khó khăn, cần nhiều khoản chi cho an sinh xã hội trong khi hoạt động của các ngân hàng vẫn tăng trưởng và đạt kết quả tốt. Do đó, cần xem xét lại chính sách thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo tại Điều 12 của Nghị quyết số 42, không nên tiếp tục duy trì chính sách này.

Ngoài ra, để nâng cao tính hiệu quả của Nghị quyết 42, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp thực thi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 42 thời gian vừa qua. Thủ tướng Chính cần phủ sớm ban hành Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, tạo cơ sở đồng bộ, thống nhất, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Liên quan đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 42, giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai. Có ý kiến đề nghị có chính sách đa dạng hóa các đối tượng tham gia trực tiếp xử lý nợ xấu; nghiên cứu mở rộng đối tượng là các khoản nợ xấu của nền kinh tế.

Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng cần xây dựng luật riêng điều chỉnh về xử lý nợ xấu. Song có ý kiến khác đề nghị cân nhắc và Chính phủ cần sớm tổng kết tình hình thực hiện Luật Các TCTD và các luật khác có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung./.