Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hà Nội lạc quan về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội thảo luận tổ.

Triển khai việc tự chủ trong các trường học

Thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội bày tỏ lạc quan về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam khi các chỉ số cơ bản đạt và tăng cao so với các quốc gia trong khu vực.

Thảo luận tại Tổ 1 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội, các đại biểu thống nhất với báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế - xã hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội bày tỏ quan tâm đến 2 nhóm vấn đề, đó là tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và phát huy nguồn lực đất đai hiện nay.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng cho biết, Trung ương đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, song đến nay việc triển khai trên thực tế vẫn còn lúng túng. Đặc biệt là việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội chia sẻ cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hà Nội khi triển khai việc tự chủ trong các trường học. Cụ thể, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm học 2023 - 2024 đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Mục tiêu quan trọng của nghị quyết thí điểm này là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua cơ chế đặt hàng cho các trường, từ đó các trường hướng đến việc tự chủ hoàn toàn.

Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hà Nội lạc quan về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam
Cần sớm tháo gỡ cho thị trường bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: TL

Sớm tháo gỡ cho thị trường bất động sản

Đề cập về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được. Nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch.

Nhấn mạnh cần sớm tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, cả nước có vô số dự án bất động sản nằm bất động. Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Nhiều dự án nằm đấy 10-20 năm rồi khiến người dân bức xúc. Đây là điểm nóng về mất an ninh trật tự nên phải rà soát, xử lý.

“Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản, các vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Vì vậy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Với các dự án chậm triển khai cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng phải có giải quyết dứt điểm, không để các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm./.