Doanh nghiệp ưu tiên chiếm 30% kim ngạch nhập khẩu

Việt Nam đã triển khai thí điểm Chương trình doanh nghiệp ưu tiên từ năm 2011. Đến năm 2014, triển khai chính thức thông qua việc đã đưa các quy định về chương trình doanh nghiệp ưu tiên vào Luật Hải quan năm 2014. Chương trình này của Việt Nam hiện đang được áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Trong đó có 23 doanh nghiệp Việt Nam, 15 doanh nghiệp Hàn Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản, còn lại là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Ý, Đan Mạch...

Theo thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu của 74 doanh nghiệp ưu tiên đạt 221 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch của cả nước. Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp ưu tiên khá đa dạng, từ lĩnh vực công nghiệp, gia công, chế biến; chế tạo đến nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng trăm người lao động.

Cơ quan hải quan sẽ áp dụng nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh: Linh Nguyễn
Cơ quan hải quan sẽ áp dụng nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh: Linh Nguyễn

Thời gian tới, theo định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) về: các điều kiện áp dụng, các chế độ được ưu tiên, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan hải quan; quyền hạn và nghĩa vụ của doanh nghiệp, công tác quản lý hải quan đối với doanh nghiệp ưu tiên, xây dựng và thúc đẩy phát triển khai thác các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các đối tác quan trọng trên thế giới.

Về phát triển khai doanh nghiệp ưu tiên ở khu vực, tất cả các nước trong ASEAN đều đã triển khai triển chính thức chương trình doanh nghiệp ưu tiên với các cấp độ khác nhau phụ thuộc vào tình hình của từng quốc gia. Nhưng về cơ bản, các nước đều triển khai chương trình dựa trên khuyến nghị của WCO về Khung định tiêu chuẩn về an ninh, an toàn (SAFE).

Giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa

Ngày 14/2/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn và lãnh đạo hải quan các thành phố nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) theo cấu hình trực tuyến về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO). Cơ quan hải quan của các nước tham gia ký kết bao gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.

Tăng cường ký kết Chương trình doanh nghiệp ưu tiên

"Với Việt Nam, mặc dù đã triển khai Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) hơn 10 năm và đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hành chính với một số nước về hợp tác hải quan. Nhưng trước đây do quy định về việc thẩm định các ký ủy quyền các chương trình AEO (MRA) chưa rõ dẫn đến Việt Nam nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng vẫn chưa phát triển được bất kỳ một MRA nào về doanh nghiệp ưu tiên.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2020, thẩm quyền ký kết MRA đã được quy định cụ thể tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Đây cũng là một nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc từng bước giải quyết các vấn đề để hoàn thành việc ký kết MRA. Cùng với việc tham gia sâu vào nhiều FTA thế hệ mới, việc tăng cường ký kết AEO MRA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho AEO tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được hưởng lợi không biên giới là công việc chúng ta cần làm trong khoảng thời gian sớm nhất."

Bà Nguyễn Thị Khánh Hồng - chuyên gia của Hải quan Việt Nam tại Tổ chức Hải quan Thế giới

Sau khi các bên đã thiết lập tính tương thích với chương trình của họ, mỗi bên tham gia sẽ đối xử với các thành viên khác của chương trình theo cách có thể so sánh với chương trình của chính mình và cố gắng cung cấp cho các thành viên, trong phạm vi có thể.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, với bản thoả thuận này, các doanh nghiệp và doanh nghiệp ưu tiên sẽ được hưởng nhiều lợi ích cụ thể như: tăng lợi ích kinh tế làm giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm thời gian thông quan và chi phí liên quan (chi phí lưu kho bãi, chi phí nhân công); đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh…

Để có thể ký thỏa thuận chấp nhận công nhận lẫn nhau, việc đàm phán giữa các nước trong khu vực được thực hiện theo hướng dẫn của WCO bao gồm các giai đoạn: Giai đoạn 1, so sánh luật giữa các nước tham gia ký kết; Giai đoạn 2, tiến trình đánh giá thực tế tại một số doanh nghiệp ưu tiên ở tất cả các nước tham gia ký kết; Giai đoạn 3, thảo luận về nội dung dự thảo thỏa thuận; Giai đoạn 4, thực hiện thỏa thuận.

Kết thúc giai đoạn 1 về so sánh luật về doanh nghiệp ưu tiên giữa các nước, Việt Nam còn một số điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên chưa tương đồng với điều kiện của các nước.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong quá trình xây dựng dự án nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đang soạn thảo nội dung bổ sung các điều kiện mà Việt Nam còn thiếu để đảm bảo các điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam tương đồng với các nước tham gia ký kết.

Khi thực hiện công nhận lẫn nhau, về cơ bản sẽ không có gì khó khăn. Tuy nhiên, đây đang là bước khởi đầu nên Hải quan Việt Nam và hải quan các nước sẽ triển khai, ghi nhận thực tế và chủ động phối hợp xử lý khó khăn có thể phát sinh./.