Phải đổi mới công tác quy hoạch

Khu vực tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có nhiều yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Song, để đạt được những mục tiêu đề ra, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong quá trình phát triển vùng, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 được tổ chức vào chiều ngày 10/4 tại Hải Phòng.
Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 được tổ chức chiều ngày 10/4 tại Hải Phòng.

Về phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, vùng động lực phía Bắc cần được quy hoạch tốt để có một cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất (và sinh hoạt) hiện đại, có năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế. Những tắc nghẽn về hạ tầng hiện nay tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đang và sẽ là trở ngại lớn cho thu hút nguồn lực, tạo việc làm và tăng trưởng cho các ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, làm giảm đi khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cho cả giai đoạn 2021 - 2030.

Các bất cập trong hạ tầng cho phát triển xã hội cũng khiến các dịch vụ ở một số đô thị đang phát triển rơi vào tình trạng thiếu đồng đều, thiếu bền vững và ít tạo ra giá trị gia tăng. Do vậy, trước hết phải đổi mới công tác quy hoạch và đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, quản lý sử dụng đất, đầu tư hạ tầng đô thị gắn với đầu tư công để tối đa lợi ích kinh tế của việc tập trung các nguồn lực sản xuất, từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông và tạo thuận lợi cho quá trình phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Về phát triển công nghiệp, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vùng sẽ cần huy động và đầu tư nguồn lực vào các tiến bộ khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động. Song song với đó là phát triển được quy mô thị trường đủ lớn để các khoản đầu tư về khoa học và công nghệ kể trên có tính khả thi và đạt được hiệu quả kinh tế. Do vậy, mỗi địa phương trong vùng cần phải lựa chọn một số ngành nghề ưu tiên với phương thức sản xuất hiện đại để tập trung đủ nguồn lực và có được quy mô thị trường đầy đủ (cả trong nước và nước ngoài).

Ngoài ra, rào cản phần nhiều nằm ở huy động nguồn lực tài chính có quy mô lớn và có kỳ hạn dài. Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì cần tính tới việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo sự chủ động của hoạt động chi ngân sách, tạo ra đột phá trong đầu tư cho phát triển công nghiệp nặng.

Khuyến khích quá trình dịch chuyển lao động

Phần lớn lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp của vùng là từ khu vực nông nghiệp chuyển đổi sang, nên quá trình công nghiệp hóa cần phải giải quyết được vấn đề chất lượng lao động và bảo đảm tuyển dụng lao động. Điều này có nghĩa là công nghiệp hóa kể trên phải vừa khuyến khích được quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, vừa phải tạo ra đủ việc làm với thu nhập bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín

Với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo, phát triển, bứt phá Vùng động lực phía Bắc”, Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 do TBTCVN phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 10/4/2023 tại Hải Phòng. Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp tập trung thảo luận về các chủ đề quan trọng: Bức tranh kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói chung và Vùng động lực phía Bắc nói riêng; những vấn đề đặt ra cho việc thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho vùng; các giải pháp huy động nguồn lực phát triển Vùng động lực phía Bắc; hoàn thiện thể chế để Vùng động lực phía Bắc cất cánh...

Diễn đàn có sự tham dự của các diễn giả:

* TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

* TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

* TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

* TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính).

* TS. Đỗ Minh Thụy, Trường Đại học Hải Phòng.

* Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM).

Về phát triển nguồn nhân lực, để bảo đảm tính cạnh tranh của vùng, yếu tố số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cần được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, sự thiếu hụt trong đào tạo chính quy tại vùng do sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và dịch vụ thường được bù đắp bằng các hoạt động đào tạo không chính thức, vì học và thực hành trực tiếp thông qua công việc dường như là một nguồn phát triển kỹ năng lớn. Do đó, đào tạo tại chỗ rất quan trọng đối với vùng trong ngắn hạn đến trung hạn để kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực, không để xảy ra sự thiết hụt, gián đoạn về lao động.

Việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong vùng cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm với đa dạng các phương thức có tính thị trường nhiều hơn. Cần có giải pháp để hình thành và nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa các doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao và thấp trong nền kinh tế do một bộ phận lớn các doanh nghiệp trong vùng vẫn đang hoạt động riêng rẽ. Cần phải có chiến lược phát triển tiềm năng đổi mới sáng tạo theo trình tự rõ ràng: tiếp nhận - lan tỏa - phát minh, thông qua dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cả vùng cần phải chuyển hướng từ chính sách “cung cấp” sang chính sách “yêu cầu”.

Cần giải pháp bài bản, đồng bộ và kịp thời

Ngày 25/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm căn cứ để các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc phân bổ và tổ chức không gian các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Quy hoạch đã đề ra mục tiêu hình thành các vùng động lực, trong đó có vùng động lực phía Bắc có cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội gắn với hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Vùng được xác định là có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao và có đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước. Trong vùng, tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế, là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao...

Nhìn vào các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế tại Quy hoạch, tăng trưởng GDP vùng đồng bằng sông Hồng vào khoảng 8 - 8,5%/năm, thì vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Mục tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đặt ra cho Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của Hà Nội là cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm.

Hải Phòng hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiểu là 13%, giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%. Quảng Ninh được giao mục tiêu xây dựng, phát triển trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; là trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước… Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm.