* PV: Bộ VHTT&DL vừa phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Theo ông chương trình này có ý nghĩa thế nào đối với ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng?

cc

Ông Nguyễn Tiến Đạt

- Ông Nguyễn Tiến Đạt: Đây là một tin chúng tôi chờ đợi rất lâu. Chúng ta cũng đã biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không và du lịch. Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, trong đó có du lịch. Tôi nghĩ với chương trình này, Bộ VHTT&DL đã đưa rất đúng lúc, đúng thời điểm, nhanh chóng phục hồi du lịch nhất là du lịch nội địa cũng rất khó khăn trong thời gian vừa qua.

* PV: Không đợi chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” được kích hoạt, mà từ đầu tháng 5, nhiều hãng lữ hành đã tung ra chương trình ưu đãi mạnh tay cho tuyến du lịch nội địa. Dường như các doanh nghiệp cũng tự tìm thời cơ để vực dậy sau đại dịch?

- Ông Nguyễn Tiến Đạt: Khi thấy tình hình dịch kiểm soát theo chiều hướng tốt thì các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chương trình kích cầu.

Rất nhiều khách sạn, nhà hàng, tàu biển đã đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn mà tôi nghĩ chưa bao giờ có từ trước tới nay. Một vé máy bay chưa bao gồm thuế và phí có giá chỉ vài chục nghìn đồng, khi cộng thuế và phí thì chỉ mấy trăm nghìn một vé khứ hồi. Giá khách sạn cũng được giảm khá sâu, nếu như trước đây 1 đêm nghỉ tại khách sạn 5 sao có giá khoảng 2 triệu thì nay giảm chỉ còn khoảng 1 triệu đồng.

* PV: Sau dịch, cách đi du lịch của du khách cũng có những xu hướng mới, thay vì đi theo tour trọn gói, đi theo đoàn đông thì nay người ta sẽ chọn đi du lịch tự do, đi theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân? Vậy làm thế nào để các đơn vị du lịch vẫn có thể khai thác dòng khách này?

- Ông Nguyễn Tiến Đạt: Trước xu hướng này, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các gói combo chỉ bao gồm vé máy bay và mức ưu đãi lớn lên tới 70%. Ví dụ một 1 vé khứ hồi và 2 đêm khách sạn ở Đà Nẵng chỉ có giá từ 1 triệu 590 nghìn đồng, còn với Phú Quốc giá cũng chỉ tầm 2 triệu cho một gói như vậy. Tôi nghĩ hoạt động đi du lịch nội địa hiện nay cũng là hành động yêu nước theo chương trình của Bộ VHTT&DL “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

* PV: Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” bao gồm rất nhiều các hoạt động như quảng bá điểm đến, xây dựng các gói kích cầu, giảm giá… có sự tham gia của đông đảo các lĩnh vực lữ hành, hàng không, nhà hàng, khách sạn và các điểm đến. Vậy theo ông, làm thế nào để có sự bắt tay chặt chẽ và hiệu quả của tất cả các đơn vị trên?

- Ông Nguyễn Tiến Đạt: Tôi nghĩ việc này không chỉ nằm ở việc hô hào khẩu hiệu mà nên có những hành động quyết liệt, phải kêu gọi tất cả các bên cùng vào cuộc để đưa ra các chính sách kích cầu. Ví dụ như hàng không sẽ phải cam kết dành bao nhiêu % số chỗ, kích cầu về giá như giảm 70%, 50%, 30% với bao nhiêu số chỗ trên các chuyến…

Tôi nghĩ một lĩnh vực mà nhà nước có thể can thiệp đó là việc miễn, giảm vé tham quan du lịch cho du khách Việt Nam nhất là ở những điểm do nhà nước quản lý. Đặc biệt ở một số địa phương như Hạ Long, Cát Bà, Huế… có mức giá tham quan tương đối cao, chỉ phù hợp với khách quốc tế thì ở thời điểm này có thể cân nhắc giảm, tôi nghĩ ở mức 50%. Khi tất cả các bên cùng vào cuộc sẽ có một mức giảm sâu nhờ đó sẽ thu hút được lượng khách từ đó tăng doanh thu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Tấn