Cơ sở giáo dục công lập cần lưu ý những chính sách thuế nào?
Cơ sở giáo dục công lập cần tìm hiểu chính sách thuế mới để thực hiện theo quy định. Ảnh tư liệu

Kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Về đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, tại điểm d, điểm đ Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 quy định “người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 4 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước theo quy định khoản 3 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Về thu nhập chịu thuế, Điều 3 Luật thuế TNDN quy định: Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định như chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản...

Thư ngỏ của Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đề cập đến một số quy định về giá dịch vụ đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 19 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 quy định “Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định như sau: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước… Căn cứ Khoản 1, Điều 30 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì nguồn tài chính bao gồm nguồn từ ngân sách nhà nước cấp kinh phí; nguồn từ thu học phí; nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác…”.

Căn cứ các quy định trên, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (bao gồm học phí chính quy) thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về phương pháp kê khai thuế TNDN. Có 2 phương pháp kê khai thuế TNDN. Phương pháp thứ nhất là kê khai theo phương pháp doanh thu - chi phí. Phương pháp này áp dụng đối với đơn vị xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh; phương pháp thứ hai là kê khai theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Phương pháp này áp dụng đối với đơn vị xác định được doanh thu, nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.

Kê khai thuế giá trị gia tăng

Cơ sở giáo dục công lập cần lưu ý những chính sách thuế nào?
Công chức Cục Thuế TP. Hà Nội hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế. Ảnh: Nhật Minh

Một quy định khác được Cục Thuế TP. Hà Nội lưu ý đối với các cơ sở giáo dục công lập, đó là chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo khoản 3, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong trường hợp chỉ có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế. Như vậy, nếu cơ sở giáo dục chỉ có khoản thu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT như thu từ học phí đào tạo thì đơn vị thuộc đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trên thực tế, các trường có thể có nhiều khoản thu khác nhau, trong đó có các khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. “Do đó, đề nghị các trường lưu ý, trường hợp ngoài khoản thu từ học phí, nếu đơn vị phát sinh các khoản thu khác chịu thuế GTGT, thì đơn vị vẫn phải kê khai thuế GTGT. Trong đó khoản thu từ học phí được kê khai vào chỉ tiêu doanh thu không chịu thuế trên tờ khai thuế GTGT” - Thư ngỏ nêu.

Áp dụng hóa đơn điện tử

Một nội dung khác cũng rất quan trọng đối với cơ sở giáo dục công lập, đó là quy định về hóa đơn điện tử. Cục TP. Thuế Hà Nội cho biết, các cơ sở giáo dục thực hiện lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm xuất hóa đơn điện tử cho học sinh, sinh viên tương ứng với mỗi lần thu học phí.

Thời điểm xuất hóa đơn thu học phí là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước, hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền. Học sinh sinh viên thường đóng học phí vào đầu năm học, hoặc đầu học kỳ thì thời điểm xuất hóa đơn thu học phí là thời điểm thu tiền (Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020).

Trường hợp vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ.

Nâng cấp ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại di động

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế là cá nhân thuộc đối tượng phải quyết toán thuế với cơ quan thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đã nâng cấp ứng dụng eTax Mobile phiên bản 3.1.3 trên điện thoại di động. Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, có nhiều chức năng mới trên ứng dụng eTax Mobile, đồng thời chức năng này cũng có nhiều ưu điểm đối với người sử dụng. Cụ thể như sau:

Nâng cấp chức năng tra cứu thông tin quyết toán: Cho phép cá nhân tra cứu các nguồn thu nhập đã nhận của từng năm, số thuế đã khấu trừ/tạm nộp và dự kiến số thuế phải nộp thêm/nộp thừa sau quyết toán.

Nâng cấp chức năng tra cứu người phụ thuộc: Cho phép người nộp thuế tra cứu được tất cả thời gian giảm trừ của người phụ thuộc đã từng gắn với người nộp thuế.

Để tránh việc cá nhân nộp chậm tờ khai dẫn tới bị xử phạt vi phạm hành chính, Cục Thuế TP. Hà Nội đề nghị doanh nghiệp, tổ chức phối hợp với cơ quan thuế thông báo tới các cá nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan thuế; cài đặt ứng dụng eTax Mobile phiên bản 3.1.3 trên điện thoại; chủ động tra cứu thông tin quyết toán của bản thân tại ứng dụng eTax Mobile; thực hiện kê khai quyết toán thuế, nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước trong trường hợp cá nhân có số thuế còn phải nộp thêm thuộc đối tượng phải quyết toán thuế với cơ quan thuế.

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng lưu ý, hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nộp tiền thuế TNCN năm 2023 là ngày 2/5/2024. Sau thời hạn này, cá nhân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Như vậy, ứng dụng eTax Mobile mang lại nhiều lợi ích, giúp cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ khai, nộp thuế một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện quyết toán thuế. Người nộp thuế là cá nhân có thể tra cứu thông tin cá nhân, người phụ thuộc, tờ khai đăng ký thuế mọi lúc mọi nơi khi có kết nối mạng internet và đảm bảo bảo mật cho người sử dụng khi cài đặt mã xác thực.

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, người nộp thuế liên hệ với cơ quan thuế gần nhất, hoặc truy cập website https://hanoi.gdt.gov.vn để được hướng dẫn.