Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn

Hầu hết các ao, hồ ở Tây Nguyên đang cạn nước do hạn hán và khai thác quá nhiều.Ảnh: KT

Mọi nguồn nước đều cạn kiệt, khô hạn trên diện rộng

Tại thời điểm cuối tháng 4/2024, Sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP. Kon Tum lưu lượng nước thấp hơn từ 40 - 65%, mực nước thấp hơn các năm 0,2 - 1,2 m. Tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước trên 1.700ha.

Tại tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này thống kê có 275 ha cây trồng bị chết do nắng hạn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, nhiều vùng nông nghiệp khô hạn, thiệt hại nặng tại tỉnh này trong mùa khô năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Hiện toàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi, tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai, cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, tỉ lệ tưới chủ động từ thủy lợi mới đáp ứng 12,5% nhu cầu.

Tại tỉnh Đắk Nông, có 31 công trình thủy lợi hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Tổng dung tích các hồ chứa còn lại chỉ còn khoảng 71 triệu m3 (thấp hơn 50% so với dung tích thiết kế). Nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài, địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ảnh hưởng đến gần 10.000 ha cây trồng các loại.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh đã có 44 công trình thủy lợi cạn nước khiến hơn 2.000 ha cây trồng các loại thiếu nước. Nếu hạn hán còn kéo dài, có khoảng 5.000-8.000 ha cây trồng các loại tại Đắk Lắk thiếu nước.

Tại Đắk Nông, hạn hán còn khắc nghiệt hơn, nhất là các huyện phía bắc như Đắk Mil, Cư Jut, Krông Nô. Phần lớn các ao, hồ, sông, suối đã cạn, phải điều nước từ những nơi khác về để cứu cây trồng từ tháng 3.

Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 công trình thủy lợi, tổng dung tích khoảng 172 triệu m3, song đến nay lượng nước chỉ còn gần 75 triệu m3; 29 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt. Dự báo trong những ngày tới, nắng hạn còn nhiều diễn biến phức tạp khi nền nhiệt tăng cao lên 37 - 39 độ C, tỉnh Đăk Nông đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới cho khoảng 8.600ha cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, thời gian cuối tháng tư, đầu tháng 5 Tây Nguyên có khả năng sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Do đó, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn nhiều năm.

Theo ông Huấn, dự báo mùa mưa Tây Nguyên năm nay tại một số nơi sẽ đến trễ khoảng 15 - 20 ngày so với các năm. Ngay trong mùa mưa vẫn có khả năng thiếu nước do mưa gián đoạn trong thời kỳ các tháng đầu mùa mưa (tháng 6, tháng 7), do vậy khô hạn vẫn có thể xảy ra.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước…

Nhiều giải pháp chống chọi với hạn hán

Ông Lê Văn Hưng - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, trong các tháng đầu năm 2024 lượng mưa phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ cuối năm 2023 tới nay, mực nước trên các sông suối giảm dần và xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước cục bộ tại một số vị trí không chủ động nguồn nước tưới và xa các công trình thủy lợi.

Còn theo nhận định của chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước do khí hậu biến đổi khiến mùa khô kéo dài, rút ngắn mùa mưa nên lượng nước bổ sung cho nguồn nước ngầm càng ít. Trong khi đó, diện tích rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp, lớp phủ bề mặt của đất cũng giảm, cộng với việc ồ ạt tăng nhanh diện tích các loại cây trồng cần nhiều nước tưới, nhất là cây cà phê nên đã xảy ra tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Các tỉnh Tây Nguyên gồng mình chống hạn

Nhiều rẫy cà phê của bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai có nguy cơ mắt trắng do hạn hán. Ảnh: Sơn Nam

Trước tình hình hạn hán vào mùa khô năm nay, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Đồng thời tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước. Dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: Dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa..., nâng cao năng lực tích nước của đầu mối.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 22% diện tích được tưới từ công trình thủy lợi, thấp nhất cả nước. Để ứng phó với hạn hán, ngoài các giải pháp tiết kiệm nước, nạo vét kênh mương, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã cho lắp nhiều trạm bơm dã chiến, bơm tiếp nước về các vùng sản xuất trọng điểm đang thiếu nước.

Tỉnh cũng đang tuyên truyền vận động người dân, để hạn chế nguy cơ thiệt hại, cần theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn. Đặc biệt các cơ quan cần theo dõi nguồn nước trên các hồ chứa, sông ngòi để cân đối nguồn nước.

Trước tình khô hạn kéo dài ảnh hưởng nhiều diện tích cây trồng, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị khai thác vận hành đập, hồ chứa thủy điện có kế hoạch xả nước hợp lý kết hợp phát điện và ưu tiên tưới chống hạn mùa khô; tổ chức nạo vét kênh mương, lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng, ưu tiên nước cho sản xuất chăn nuôi. Đối với các vùng trồng không đảm bảo tưới tự chảy phải tổ chức trạm bơm dã chiến để bơm tưới cho cây trồng.

Trong lúc chờ giải pháp căn cơ, mới đây ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký công văn chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Trong trường hợp thiếu nước phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu. Các công trình thủy lợi chủ động trữ nước đảm bảo nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, Sở NN&PTNT tỉnh này vừa có văn bản đề nghị Cục Thủy lợi tổng hợp, báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng mới 10 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí khoảng 467 tỷ đồng để phục vụ tưới cho gần 4.000 ha cây trồng./.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các địa phương rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023-2024, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp.