FED chính thức tăng lãi suất

Rạng sáng ngày 16/6 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức công bố việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây cũng là lần tăng lãi suất lớn nhất của FED trong vòng gần 30 năm qua, kể từ năm 1994.

Không chỉ dừng lại ở đây, FED có thể tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất tiếp theo trong thời gian tới nếu tình hình lạm phát ở nước này chưa được cải thiện. Theo chia sẻ của đại diện FED thì dù họ không muốn việc tăng này trở nên phổ biến, nhưng vẫn hé lộ họ vẫn có thể bàn bạc việc nâng lãi thêm 0,75 điểm phần trăm hay khoảng 0,5 điểm phần trăm trong phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7.

FED tăng lãi suất và những áp lực với thị trường tiền tệ trong nước
FED tăng lãi suất và những áp lực với thị trường tiền tệ trong nước. Ảnh: T.L
Lạm phát và lãi suất đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu Fed khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất Giới chức Fed: Việc tăng lãi suất vào tháng 9 là chắc chắn

Với xu hướng hiện tại, mặt bằng lãi suất tại Mỹ có thể sẽ tiếp tục “leo dốc” trong nửa cuối năm 2022 và có thể kéo sang cả năm 2023. Trong biểu đồ khảo sát quan điểm của các thành viên Ủy ban Thị trường Mở liên bang Mỹ, lãi suất tiêu chuẩn vào cuối năm nay được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 3,4%, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 3. Trong năm 2023, lãi suất dự kiến sẽ được duy trì ở mức 3,8%.

Với xu hướng tăng lãi suất như vậy, dự báo lạm phát cơ bản tại Mỹ sẽ được kỳ vọng sẽ khống chế ở 4,3% vào cuối năm nay và giảm xuống còn 2,7% trong năm 2023. Trong bối cảnh này, FED dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 chỉ đạt 1,7%, giảm thấp hơn khá nhiều so với mức dự báo khoảng 2,8% được đưa ra vào tháng 3/2022.

Quan sát diễn biến sau động thái tăng lãi suất của FED, cả giá vàng và các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đi lên. Nhà đầu tư đánh giá động thái của FED là cam kết vững chắc với quyết tâm hạ nhiệt lạm phát.

Những động thái với thị trường trong nước

Đưa ra đánh giá về ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất đối với thị trường tiền tệ trong nước, các chuyên gia tài chính cho rằng sẽ có những ảnh hưởng, tuy nhiên việc đo lường mức độ ảnh hưởng đến đâu cần phải có thời gian để quan sát.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Lê Thành Hòa - Chuyên gia phân tích thuộc Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, việc tăng lãi suất của FED ít nhiều có thể có những tác động lên dòng tiền do nhà đầu tư tài chính có xu hưởng chuyển các khoản đầu từ các nước khác về đầu tư vào thị trường tài chính trong nước. Điều này khiến cho các nền kinh tế ngoài Mỹ cũng chịu sức ép phải tăng lãi suất để giữa chân dòng vốn, thị trường tài chính Việt Nam theo đó cũng có thể cũng bị ảnh hưởng chung bởi xu hướng này.

Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện cơ quan này cho biết, không chỉ đến thời điểm này mà nền kinh tế trong nước vẫn chịu sức ép rất lớn từ xu hướng tăng lãi suất trên thị trường quốc tế thời gian qua. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trong nước vẫn được Ngân hàng Nhà nước điều hành giữ ổn định cho đến thời điểm này để đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Theo thống kê của ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, riêng trong năm 2021 có tới 113 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Trong khi đó tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn thực hiện 3 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Mức hạ lãi suất tại Việt Nam theo đó cũng là mức giảm nhiều nhất trong khu vực ASEAN.

Xu hướng tăng lãi suất vẫn còn tiếp tục gia tăng và riêng trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có 144 lượt tăng lãi suất trên thế giới. “Điều này cho thấy việc chúng ta duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện tại là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh hiện tại để hướng tới mục đích giữ lãi suất cho vay hợp lý, không gây gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và người dân”- ông Quang nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, tác động của việc FED tăng lãi suất lần này và cả các lần trước đó cũng ảnh hưởng đến tỷ giá bởi lãi suất tại Mỹ tăng sẽ có tác động làm cho đồng USD có xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác.

Trong nửa đầu năm 2022, các đồng tiền trong khu vực như Nhân dân tệ của Trung Quốc, Won Hàn Quốc, Bath Thái Lan, Yên Nhật Bản… đều mất giá mạnh so với Đô la Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực nêu trên đều là các đối tác quan trọng về các quan hệ thương mại và đầu tư đối với Việt Nam. Theo ông Quang, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ đã xác định mục tiêu vẫn duy trì ổn định tỷ giá và cho đến nay, đồng Việt Nam cũng chỉ giảm giá rất nhẹ so với USD.

Đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.