Hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan

Thời gian qua, việc hiện đại hóa quản lý hải quan đối với doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất đã được các đơn vị hải quan thực hiện chủ động, tích cực, đặc biệt trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan. Tuy nhiên, tình hình triển khai quy định về điều kiện kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể như: việc triển khai quản lý, theo dõi còn chưa thống nhất; công tác thực hiện kiểm tra thực tế điều kiện, kiểm tra giám sát hải quan để áp dụng chính sách thuế còn chưa phù hợp…

Để khắc phục, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương đảm bảo công tác theo dõi, thu thập, xử lý, phân tích thông tin doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trên địa bàn quản lý để kịp thời cập nhật sự thay đổi thông tin hoạt động của doanh nghiệp vào hệ thống dữ liệu điện tử hải quan. Qua đó tạo tiền đề đáp ứng về cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp khi triển khai hệ thống hải quan thông minh.

Công chức hải quan đến cơ sở sản xuất để hướng dẫn và nắm bắt các vướng mắc phát sinh từ doanh nghiệp. Ảnh: Đông Mai
Công chức hải quan đến cơ sở sản xuất để hướng dẫn và nắm bắt các vướng mắc phát sinh từ doanh nghiệp. Ảnh: Đông Mai

Nhằm quyết liệt thực hiện thu lại kết quả tốt, chất lượng cao, đảm bảo đúng quy định của Nghị định 18/2021/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã giao các đơn vị nghiệp vụ xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với cách thức kết nối hệ thống camera của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất với chi cục hải quan quản lý cũng như cách thức lưu trữ dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu của hệ thống camera giám sát doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đáp ứng được các yêu cầu phân tích dữ liệu hình ảnh, sẵn sàng tích hợp với hệ thống hải quan thông minh; các giải pháp để bảo mật thông tin, truy cập dữ liệu khi trao đổi thông tin với cơ quan hải quan...

Kết nối trực tuyến phát huy hiệu quả

Theo định hướng triển khai mô hình Hải quan thông minh, hệ thống Hải quan số sẽ có các chức năng theo dõi, quản lý, phân tích số liệu, cảnh báo các dấu hiệu rủi ro xuyên suốt trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất từ khâu nhập khẩu trong quá trình sản xuất đến khi xuất khẩu hoặc tiêu hủy, thay đổi mục đích sử dụng.

Theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), thời gian qua Tổng cục Hải quan đã triển khai xây dựng các bài toán nghiệp vụ để thực hiện mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, trong đó có bài toán về quản lý hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu và doanh nghiệp chế xuất. Thông qua nhiều hội thảo đã được tổ chức, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, hải quan các tỉnh, thành phố có loại hình này và cơ bản đã hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ. Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và thay thế Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Trong đó, có một số nội dung thay đổi liên quan đến quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh

Kết thúc năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu có giảm so với thời điểm năm 2020 nhưng với tỷ lệ không đáng kể; số lượng doanh nghiệp chế xuất lại tăng 4,3%. Trong khi đó, số lượng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu gia công, chế xuất năm 2021 tăng mạnh so với năm 2020, đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh. Hết năm, kim ngạch nhập khẩu gia công, sản xuất xuất khẩu tăng 37,49% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất tăng 50,13% so với cùng kỳ.

Hơn thế nữa, trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC có một số nội dung trọng tâm liên quan đến việc “số hóa” công tác quản lý với các đối tượng đặc biệt này.

Đáng chú ý là các quy định đã đề xuất bổ sung thêm cho doanh nghiệp lựa chọn phương thức cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan hải quan về hoạt động nhập kho nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, xuất kho nguyên liệu, vật tư; nhập kho thành phẩm, xuất kho thành phẩm; xử lý phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị; định mức sử dụng dự kiến, tổ chức… bên cạnh hình thức nộp báo cáo quyết toán truyền thống. Đây sẽ trở thành cơ sở để cơ quan hải quan thuận lợi hơn trong thu thập thông tin doanh nghiệp nhằm phân tích, đánh giá và có những chính sách kịp thời, tạo thuận lợi cho hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng xây dựng đề án thử nghiệm kết nối trao đổi về hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, máy móc thiết bị của doanh nghiệp gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất... Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của ngành Hải quan.