Hải quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản
Công chức Hải quan Lạng Sơn làm thủ tục cho vải tươi xuất khẩu. Ảnh: Hồng Vân

Xuất khẩu giảm nhưng vẫn nhiều điểm sáng

Nửa đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới cũng như nhiều quốc gia lớn nhập khẩu nông sản từ Việt Nam như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trong bối cảnh lạm phát, các nước tăng lãi suất gây tác động không nhỏ tới hoạt động của các DN XK của Việt Nam cũng như DN nhập khẩu ở nước bạn. Đây là vấn đề đã phát sinh từ năm 2022 và kéo dài tới nay khiến lượng đơn hàng xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm mạnh; lượng hàng tồn kho tại thị trường của họ còn rất lớn.

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường XK nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị XK sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; XK sang Mỹ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và XK sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Mặc dù tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản giảm nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt hơn 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ; trong đó gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị XK.

Lượng gạo XK ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2%, kim ngạch XK đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; hạt điều tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị XK; XK cà phê đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2% về khối lượng nhưng nhờ giá XK bình quân tăng 5,2% nên kim ngạch XK đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.

Bên cạnh đó, điểm sáng đáng kể là mặt hàng rau quả với kim ngạch XK đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ và bằng 81,8% của cả năm 2022.

Để có được những kết quả này, bên cạnh sự chủ động tháo gỡ vướng mắc về đơn hàng, thị trường để gia tăng XK thì không thể thiếu những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi từ cơ quan hải quan tại các cửa khẩu biên giới.

Hỗ trợ tối đa tại cửa khẩu

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa XK là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan XK hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN.

Mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD

Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD, trong đó mặt hàng nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Trong đó, tích cực đơn giản hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng; bố trí cán bộ giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa XK ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ.

Tại các giai đoạn cao điểm, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hóa tại địa điểm bảo quản hàng hóa, cũng như hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng.

Cũng theo ông Tưởng, cơ quan hải quan đã nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản XK thông qua thủ tục hải quan bằng việc đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra; mở rộng việc triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử, giảm bớt thời gian cho các DN trong việc kê khai thuế.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và thông qua các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam và sở công thương thông báo kịp thời cho DN chính sách nhập khẩu nông sản của các nước và đề nghị các DN kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước và chế biến nông sản; phối hợp với UBND các tỉnh thành phố, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sở, ngành trực thuộc theo chức năng phối hợp kiểm soát, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa là nông sản XK.

Đặc biệt, chú trọng trao đổi, chia sẻ thông tin và hỗ trợ hành chính lẫn nhau giữa cơ quan hải quan các nước nhằm đảm bảo thông tin mà hải quan tiếp nhận là chính xác và đầy đủ. Trong bối cảnh hiện nay, các nước đặt ra các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch cần thiết và thích hợp nhằm bảo vệ sức khỏe con người và quyền lợi người tiêu dùng.

Do đó, yêu cầu đặt ra là cần thận trọng khi lựa chọn các mặt hàng nông sản trong đàm phán thương mại về lộ trình cắt giảm thuế quan và lựa chọn những mặt hàng có nhiều lợi thế cho XK trong đàm phán, để có thể tận dụng tối đa hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do.

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính:

ần có sự hỗ trợ của địa phương và ngành Hải quan

Hải quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản

Để thúc đẩy XK nông sản, cần có sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền các địa phương và ngành Hải quan, đặc biệt lực lượng hải quan ở các cửa khẩu trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hàng hóa thật nhanh chóng để tạo điều kiện cho DN, tránh hiện tượng ùn ứ hàng hóa ở biên giới.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc chuyển từ XK theo đường tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quá trình đàm phán với các nước đối tác trong việc chấp nhận các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng có tiềm năng lớn. Bên cạnh đó nước ta cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản Việt cũng như tạo cầu nối giữa nước ngoài.

Bà Hoàng Lê Trang, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam:

Phải quản lý chất lượng một cách nhất quán, chuẩn hóa

Hải quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản

Để nâng cao giá trị nông sản, tận dụng lợi thế từ các FTA để chiếm lĩnh các thị trường XK, DN Việt Nam cần lưu tâm đến quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Cụ thể là các FTA đem lại nhiều ưu đãi về thuế quan, nhưng rào cản kỹ thuật với nông sản tại một số thị trường lớn như EU, Anh Quốc, Mỹ, Nhật Bản… vẫn rất khắt khe, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ghi nhãn bao bì.

Việc quản lý chất lượng một cách nhất quán, chuẩn hóa theo các bộ tiêu chuẩn được quốc tế công nhận không chỉ giúp nông sản Việt đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của quốc gia nhập khẩu, mà còn là phương tiện để chinh phục khách hàng tại các thị trường này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng các thực hành sản xuất bền vững và kinh doanh có trách nhiệm trong nông nghiệp, một mặt giúp gia tăng giá trị sản phẩm và cơ hội XK nông sản, mặt khác giúp định hình các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn:

Sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp để tránh rủi ro

Hải quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho xuất khẩu nông sản

Thương nhân, DN phải nắm rõ các quy định, các hàng rào của nước nhập khẩu về nhãn mác, vùng trồng, xác định người xuất, người nhập.

Với thị trường Trung Quốc thì thương nhân, DN phải lưu ý đăng ký được mã số người XK. Khi đưa hàng lên cửa khẩu thì phải liên hệ chặt chẽ với phía đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc để thực hiện giao nhận hàng hóa.

DN cần sử dụng các hãng vận tải chuyên nghiệp để họ có thể hỗ trợ mình tối đa từ khâu chuyên chở đến giao nhận sang phía bên kia. Tiến hành khai báo hải quan, xin các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy kiểm dịch đúng theo quy định để khi làm thủ tục tại cửa khẩu thuận lợi hơn, đáp ứng đúng nhu cầu.

Về phía hải quan, chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc qua nhiều kênh như đường dây nóng, website… cho cộng đồng DN. Đồng thời, Hải quan Việt Nam vẫn thường xuyên phối hợp với lực lượng hải quan phía bạn để ghi nhận những DN chấp hành tốt pháp luật để được ưu tiên khi thực hiện XK.

Đông Mai (ghi)