Ngày 16/4, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ban sáng lập Hiệp hội kinh doanh mua bán nợ tổ chức hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”.

Hình thành thị trường mua bán nợ năng động để xử lý nợ xấu tiêu dùng
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Luyện Vũ

Tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 2,8-2,9 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đây là số dư nợ tương đối lớn phục vụ nhu cầu đời sống, phát triển kinh tế của nhân dân.

Những con số trên cho thấy, vốn của hệ thống ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế phần nào đó tín dụng đen. Tuy nhiên, vấn đề của cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay là tình trạng nợ xấu.

Hiện Việt Nam có khoảng 16 công ty tài chính tiêu dùng (trong đó có 15 công ty hoạt động), cho vay khoảng 138.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 5% trong tổng số hơn 2,8- 2,9 triệu tỷ đồng trên.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến tháng 2/2024 đã nhích lên hơn 4%.

Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính đã giảm nhẹ từ mức 15% vào cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63%. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm này là do các công ty tài chính tiêu dùng này phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Vì vậy, đây vẫn là mức đáng báo động khi khả năng thu hồi nợ của các công ty này cũng rất khó khăn.

Xung quanh vấn đề này, ông Darryl Dong - Đại diện Cấp cao của IFC Việt Nam chia sẻ, lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, do tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng đều đang có chiều hướng gia tăng.

Ông Darryl Dong cho rằng, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều người có thu nhập thấp là những khách hàng chính của tín dụng tiêu dùng vào tình trạng tài chính khó khăn, giảm khả năng trả nợ. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả thu hồi nợ tiêu dùng là hết sức thiết yếu. Đồng thời, xây dựng một khuôn khổ mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu với cách tiếp cận thực tế theo nguyên tắc thị trường là điều hết sức cần thiết để xoay chuyển tình thế nợ xấu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các công ty tài chính tiêu dùng cũng như ngân hàng cần nâng cao chất lượng và tiến tới xử lý tốt nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện vấn nạn người vay vốn bùng nợ, không trả nợ ngân hàng dù có thể có khả năng trả.

Ông nhấn mạnh: “Cần cho vay chặt chẽ hơn, tránh gây mất an toàn hệ thống. Việc nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống người dân, giảm tín dụng đen là điều cần thiết”.

Còn theo ông Darryl Dong, trong bối cảnh môi trường kinh tế chính trị ngày càng thách thức, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng có vai trò giải quyết nợ xấu cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, mạnh mẽ và thiết thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường.

“Việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả. IFC sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các doanh nghiệp trong vấn đề này”- ông Darryl Dong khẳng định./.