Hội nghị AFMGM: Hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu phát triển bền vững
Các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN chụp hình sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 11 (AFMGM 11). Ảnh: Đức Minh

Thiết lập tầm nhìn mới để ASW trở nên cởi mở, toàn diện

Hợp tác tài chính ASEAN là khuôn khổ hợp tác sâu rộng, với nhiều nội dung hợp tác đa dạng bao quát nhiều lĩnh vực tài chính quan trọng như thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, bảo hiểm. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM), các bộ trưởng đã thảo luận và đưa ra định hướng hoạt động cho các ủy ban công tác trong các lĩnh vực hợp tác tài chính ASEAN, bao gồm: diễn đàn hợp tác hải quan và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); diễn đàn thuế ASEAN; diễn đàn hợp tác về các vấn đề bảo hiểm và các biện pháp tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai; hợp tác tài chính phát triển cơ sở hạ tầng; diễn đàn phát triển thị trường vốn.

AFMGM lần thứ 29 sẽ diễn ra tại Malaysia

Các nước thành viên đánh giá cao công tác tổ chức và chủ trì, điều hành Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 11 và các hội nghị liên quan của Lào trong năm 2024. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 29 và các hội nghị hợp tác tài chính ASEAN sẽ được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia vào năm 2025.

Các bộ trưởng ghi nhận những kết quả hợp tác quan trọng, đặc biệt là việc hoàn thành nghiên cứu kỹ thuật về ASW thế hệ mới, với mục đích thiết lập một tầm nhìn mới để ASW trở nên cởi mở, toàn diện và có khả năng tương tác hơn; việc hoàn thiện và cải thiện mạng lưới hiệp định thuế song phương giữa các nước thành viên ASEAN và những kết quả hợp tác về thuế tiêu thụ đặc biệt; việc Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) tái định vị thành tổ chức dẫn đầu khu vực về tài chính xanh; việc triển khai hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (Taxonomy) phiên bản 2; việc hoàn thành Giai đoạn 2 của Chương trình tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI).

Các bộ trưởng cũng phê duyệt việc thành lập Diễn đàn kho bạc ASEAN và cho ý kiến về việc tăng cường hợp tác liên ngành với các lĩnh vực y tế, nông nghiệp trong ASEAN. Trong khuôn khổ hợp tác tài chính - tiền tệ, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM), các bộ trưởng và thống đốc đã ghi nhận các kết quả hợp tác trong việc thực hiện Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN, trong đó đáng chú ý là các kết quả trong việc mở cửa hội nhập về dịch vụ tài chính và thúc đẩy phát triển tài chính xanh.

Các sáng kiến hợp tác tài chính và kết quả đạt được có tính tương đồng cao

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hợp tác tài chính ASEAN, nhận định các sáng kiến hợp tác tài chính và kết quả đạt được có tính tương đồng cao với hai chủ đề lớn trong những năm chủ trì ASEAN của Lào, đó là “kết nối” và “bền vững”.

Việt Nam đóng góp tích cực vào các hoạt động kết nối ASEAN thông qua các lĩnh vực hợp tác hải quan và thuế, đặc biệt là việc Bộ Tài chính (Tổng cục Hài quan) sẽ chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, vào tháng 6/2024, tại Phú Quốc. Bộ trưởng cũng hoan nghênh những nỗ lực và kết quả đạt được từ các hoạt động hợp tác bảo hiểm ASEAN trong năm qua, bao gồm Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26, vào tháng 12/2023 tại Hạ Long Việt Nam. Hợp tác bảo hiểm ASEAN đi đúng hướng với các hoạt động chia sẻ kiến thức, đối thoại, đảm bảo thị trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh, đảm bảo vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào chủ đề “bền vững” của hợp tác ASEAN 2024.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng ghi nhận kết quả đạt được từ quá trình triển khai thực thi cam kết mở cửa thị trường tài chính cũng như từ các hoạt động đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các bước tiến trong Hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy), áp dụng hệ thống tiêu chí và nguyên tắc đầu tư ASEAN (ACGF) vào Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN, hướng dẫn tài chính chuyển đổi ASEAN.

Bộ trưởng đề nghị ASEAN cần định hướng các nhóm công tác và diễn đàn hợp tác liên quan về dịch vụ tài chính gắn kết giữa các vấn đề đàm phán, thực thi cam kết với năng lực thực thi, yêu cầu quản lý đảm bảo ổn định an toàn của thị trường tài chính. Đồng thời, khối cần tăng cường hợp tác tài chính xanh, tài chính chuyển đổi, không chỉ trong nội khối ASEAN mà cần có sự tham gia của các đối tác bên ngoài, đặc biệt là các đối tác có năng lực về tài chính, để chia sẻ tiêu chuẩn về công cụ tài chính phù hợp với nhu cầu của họ, hướng tới các cam kết cụ thể về tài chính xanh với điều kiện ưu đãi dành cho khu vực.

Đối với kinh tế vĩ mô khu vực, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ với hội nghị các kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt 5,05% và quý I/2024 đạt 5,66%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới; tỷ lệ nợ công ở mức 38% GDP, mức bội chi ngân sách dưới 4% và kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 3%, thương mại phục hồi nhanh trong đầu năm 2024, đạt thặng dư thương mại đáng kể. Bộ trưởng khẳng định, kinh tế Việt Nam đạt được các kết quả phục hồi tăng trưởng tích cực nhờ vào các yếu tố nền tảng, như củng cố cầu nội địa thông qua các biện pháp chính sách tài khóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì môi trường thương mại, đầu tư quốc tế mở.

Bộ trưởng cũng đề nghị các nước cần kiên định với các định hướng chính sách vĩ mô với các ưu tiên bao gồm tiếp tục áp dụng dư địa tài khóa phù hợp để duy trì nhu cầu nội địa ở mức hợp lý, làm nền tảng cho phục hồi kinh tế; tiếp tục củng cố nền tảng tài chính thông qua các ưu tiên chính sách dài hạn; tiếp tục duy trì môi trường thương mại và đầu tư mở, hệ thống thị trường tài chính công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả để tạo điều kiện cho các nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn.

Áp dụng các chính sách vĩ mô thận trọng

Bên cạnh các hội nghị chính thức, các bộ trưởng và thống đốc cũng đã có phiên thảo luận với các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, ADB, AMRO) về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực. Các bộ trưởng và thống đốc chia sẻ nhận định của các tổ chức quốc tế cho rằng khu vực ASEAN đang có xu hướng phục hồi, tuy nhiên mức độ không đồng đều ở các nước và các lĩnh vực kinh tế, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa ổn định. Sự phục hồi của cầu nội địa vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng khu vực.

Trong thời gian tới, khu vực ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là do tác động tài chính bất lợi từ căng thẳng địa chính trị, biến động giá cả hàng hóa toàn cầu và tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc. Các vấn đề mang tính cơ cấu khác, bao gồm biến đổi khí hậu, tốc độ số hóa nhanh và dân số già sẽ tiếp tục định hình sự phát triển kinh tế của khu vực ASEAN.

Các bộ trưởng và thống đốc nhất trí cần tiếp tục duy trì ổn định nợ công, củng cố tài khóa, áp dụng các chính sách vĩ mô thận trọng, duy trì không gian chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cải cách cơ cấu và tăng trưởng bền vững.

Bên lề hội nghị, các bộ trưởng và thống đốc cũng đã có phiên đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp US - ABC, EU - ABC và ABAC. Các chủ đề thảo luận năm nay tập trung vào các vấn đề nóng mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, bao gồm: tài chính xanh và công nghệ tài chính; tăng cường kết nối cho các hệ thống tài chính kiên cường ở Đông Nam Á, chuyển đổi số; tạo thuận lợi đầu tư; kết nối giao dịch kỹ thuật số; kết nối thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới.