Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt qua gió ngược, xoay chuyển tình thế
Ảnh: TL

3 cơn gió ngược và 1 dòng xoáy ngầm

Năm 2023, tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng phần khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Là nước đang phát triển, quy mô nền kinh khiêm tốn, đang chuyển đổi nhưng có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam đã bị tác động mạnh. Tăng trưởng thấp, xuất nhập khẩu giảm mạnh, sản xuất kinh doanh khó khăn. “Tình hình có lúc đã khiến chúng ta có nhiều lo lắng. Công tác điều hành cũng chịu sức ép ghê gớm. Nhưng chúng ta đã kiên cường vượt qua” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ.

Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ

Năm 2023 có nhiều sức ép rất lớn với điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự điều hành hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa, tiền tệ kết hợp với các chính sách vĩ mô khác đã đem lại hiệu quả. Đây là thành công lớn, tạo tiền đề, nền tảng cho việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu khác.

Nhìn lại toàn cảnh kinh tế năm 2023, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét “kinh tế Việt Nam năm 2023 tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ 3 cơn gió ngược tương đối mạnh từ ngoài khơi thổi vào và một dòng xoáy ngầm bên trong”.

3 cơn gió ngược đó là lạm phát cao, lãi suất tăng mạnh và tăng trưởng của nhiều nền kinh tế, trong đó có các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, sụt giảm khá mạnh, một số nước thậm chí bị rơi vào suy thoái. Dòng xoáy ngầm trong nước là sự trầm lắng, giảm mạnh về giao dịch, thậm chí đóng băng ở các phân khúc của thị trường bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng.

Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá tốt khả năng chống chịu trước những cú sốc này. “Chúng ta đã chiến thắng trước sức ép từ bối cảnh không thuận của kinh tế thế giới. Những chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả đã được thực hiện, bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô thành công, đạt mức tăng trưởng khá tích cực so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Từ đó đã thành công vượt qua những cơn gió ngược của kinh tế thế giới” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.

7 điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế

Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình thế đã xoay chuyển. Kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 thể hiện rõ 7 điểm sáng nổi bật:

Đầu tiên là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong dài hạn gắn với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững mà Đại hội Đảng XIII đề ra.

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt qua gió ngược, xoay chuyển tình thế
Một góc Vịnh Hạ Long. Ảnh TL minh họa.

Điểm sáng thứ hai là công tác chỉ đạo điều hành. Trong bối cảnh tình hình phức tạp, diễn biến nhanh và khó lường, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các giải pháp hết sức kịp thời, quyết đoán, từ đó đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió. Dù một số mục tiêu không đạt kế hoạch, nhưng kết quả chung của Việt Nam vẫn là tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Điểm sáng thứ ba là về giải quyết các vấn đề, các việc tồn đọng kéo dài của nền kinh tế. Cụ thể như trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2… sau nhiều năm gián đoạn. Công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm qua đã đem lại những kết quả hết sức tích cực, cũng như đã đề ra các giải pháp, hướng xử lý cho những năm tiếp theo.

Điểm sáng thứ tư là thực hiện các giải pháp mang tính cấp bách để hỗ trợ nền kinh tế. Năm 2023, nhiều chính sách phục hồi kinh tế sau khi thực hiện thành công đã được báo cáo với cấp có thẩm quyển để tiếp tục kéo dài, góp phần hỗ trợ cho sự phục hồi mới ở giai đoạn đầu của doanh nghiệp.

Đầu tư công - động lực quan trọng với tăng trưởng là điểm sáng thứ năm. Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể, tỷ lệ giải ngân cả năm ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 3,58% (91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 142,56 nghìn tỷ đồng; qua đó đưa một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, giải quyết đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, tạo việc làm…

Liên quan tới mục tiêu dài hạn, điểm sáng thứ sáu của năm 2023 là những bước tiến trong việc triển khai 3 đột phá của nền kinh tế gồm: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về thể chế, Quốc hội thông qua nhiều bộ luật hết sức quan trọng, tác động hiệu quả hơn đến sự vận hành của nền kinh tế.

Về hạ tầng, năm 2023 đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, đặc biệt đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đang khai thác là 1.892 km.

Về nguồn nhân lực, đã có đổi mới, bước tiến về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của những ngành công nghiệp mới.

Cuối cùng, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động là điểm sáng nổi bật của năm 2023, tác động hết sức tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những thỏa thuận, cam kết từ những chuyến công tác cấp cao, những hội nghị song phương và đa phương lớn mà Việt Nam tham gia trong năm 2023, sẽ có tác động và có điểm rơi vào năm 2024 và những năm tiếp theo. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội mới, phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp, người dân, cả về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học.../.