PV: Xin ông cho biết, trong thời gian qua trung ương đã có những chính sách hỗ trợ gì để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã?

Liên kết mở rộng thị trường, tạo đà cho hợp tác xã phát triển
Ông Nguyễn Ngọc Bảo

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tại các địa phương như Luật HTX năm 2012, Nghị định 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018, Quyết định 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2020, Quyết định 1804 QĐ-TTg ngày 13/11/2020, Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021, Nghị quyết 20-NQ-TW ngày 16/6/2022... Trên cơ cở đó, các bộ, ngành trung ương cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện quy định của Chính phủ về KTTT, HTX.

Theo đó, các tỉnh, thành phố đã vận dụng các chính sách của trung ương đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương để phát triển KTTT, HTX, nhiều HTX phát triển bền vững trong các lĩnh vực như HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp, môi trường, y tế, trường học, thương mại dịch vụ…

PV: Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó HTX là một trong những đối tượng thuộc nhóm thứ ba được hỗ trợ phục hồi. Vậy, các HTX đã tiếp cận chính sách này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, Nhà nước đã ban hành, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ đối với HTX, liên hiệp HTX như gia hạn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất tiền vay 2%/năm, giảm tiền thuê đất...

Theo khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh và ước đến cuối năm 2022 có 83,6% tổng số HTX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; hơn 104.000 lao động trong khu vực HTX được hỗ trợ 76 tỷ đồng tiền thuê nhà; 81,7% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; 12,1% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 74,2% tổng số HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Các HTX vay vốn tại ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Một số ít HTX nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%. 252 HTX, liên hiệp HTX vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam và các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, thành phố để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. 401.000 lao động trong các HTX, liên hiệp HTX (có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm) được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 211 tỷ đồng. 18,7% tổng số HTX nông nghiệp nắm được thông tin và tiếp cận chính sách hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều sản phẩm nông sản của các hợp tác xã được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Khánh Linh
Nhiều sản phẩm nông sản của các hợp tác xã được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Khánh Linh

PV: Để thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã có những thay đổi lớn về mặt chính sách. Để khơi thông và triển khai hiệu quả chính sách này trong thực tế, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu rõ các chủ trương chính sách mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ khu vực KTTT. Ví dụ, chính sách về tín dụng có nêu rõ phải tăng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho các thành viên và HTX; chính sách về tài chính liên quan đến thuế... Các chính sách này được ban hành đồng bộ trong một chương trình tổng thể, như vậy tính kịp thời, thống nhất của hệ thống các chính sách được đầy đủ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên HTX tiếp cận.

Trên thực tế, cũng như các quan điểm về hỗ trợ thì các HTX và thành viên HTX khai thác các nguồn lực tự có và nghiên cứu thị trường để tổ chức sản xuất là chính. Còn các chính sách của nhà nước chỉ mang tính định hướng và hỗ trợ. Tuy nhiên, có được nguồn lực hỗ trợ của nhà nước sẽ gắn kết được các HTX với nhau và đem lại hiệu quả cao hơn.

Các HTX cần nắm bắt các chính sách của trung ương và địa phương để vận dụng triển khai thực hiện phù hợp với địa phương mình, nhằm hỗ trợ cho các thành viên, liên kết giữa các thành viên với nhau, liên kết giữa các HTX cùng loại hình và các HTX khác loại hình để liên kết với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu vào sản xuất cho các thành viên cũng như giúp các thành viên tiếp cận kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tạo sản phẩm có uy tín được người tiêu dùng tiếp nhận và tạo được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của các HTX. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh, các địa phương lận cận, các vùng miền khác nhau; đồng thời, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để nhiều bạn hàng, doanh nghiệp biết đến sản phẩm của các HTX.

Việc vận dụng tốt các chính sách của trung ương và địa phương vào thực tiễn giúp các HTX chủ động, kiểm soát, đánh giá được chất lượng đầu vào, kiểm soát cả quy trình sản xuất đầy đủ nhất, kết quả cho ra sản phẩm có chất lượng bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!