Liên kết vùng tạo động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Tập kết, vận chuyển lúa gạo xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Không thể đi một mình

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu một lần nữa khẳng định: Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông MeKong.

ĐBSCL là 1 trong 7 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, với hơn 12% diện tích và 19% dân số cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước.

Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Giai đoạn vừa qua, cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động. Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Nhiều hình thức liên kết, hợp tác vùng được hình thành.

Bên cạnh đó, việc quản lý và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên nước, bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động hơn trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục - đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện.

Toàn vùng vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, cũng như đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế. Quy mô kinh tế nhỏ chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao…

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt, với tổng chiều dài gần 28.000 km nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ dừng lại ở vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) khoảng 18 triệu tấn, tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải DN phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến. Chi phí logistics cho hàng nông, thủy sản bình quân chiếm tới gần 30% giá thành sản phẩm.

Các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều thống nhất cho rằng, những vấn đề khó có thể được xử lý hoặc khó xử lý hiệu quả bởi các nỗ lực riêng lẻ của từng địa phương trong vùng ĐBSCL. Do vậy, muốn phát triển nhanh, mạnh, bền vững nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, cần phải đẩy mạnh liên kết vùng, cùng nhau đồng tâm, hiệp lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Cần phải đi cùng nhau

Tại Diễn đàn doanh nghiệp - Kết nối giao thương doanh nghiệp 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL hồi trung tuần tháng 7/2023, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, định hướng phát triển thuận thiên, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững của ĐBSCL là phù hợp xu thế mới này. Lãnh đạo và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn, để cùng nhau vươn lên phát triển.

Theo bà Lan, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông và chất lượng các công trình giao thông kết nối, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) nhằm khai thác thế mạnh, “đánh thức” kinh tế ĐBSCL.

Chia sẻ tại Diễn đàn về các dự án phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương xây dựng 16 đề xuất dự án, với tổng đầu tư 85.140 tỷ đồng. Trong đó, 26.134 tỷ đồng là vốn đối ứng; 59.006 tỷ đồng là vốn vay nước ngoài.

Mục tiêu của các dự án này nhằm tăng cường hệ thống giao thông kết nối các địa phương; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường ven biển; nâng cao khả năng quản lý nguồn nước, chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng. Tất cả nhằm mục đích nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.

Liên kết vùng tạo động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Giao thông liên kết vùng tạo động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Mới đây nhất, phát biểu tại Hội nghị điều phối vùng ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu ngày 27/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chỉ rõ, cần tập trung nghiên cứu để đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Cùng với đó, Hội đồng điều phối vùng cần sớm hoàn thiện để triển khai danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng để bổ sung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 18/7/2023 sử dụng vốn vay ODA của các đối tác phát triển, trong đó ngân sách trung ương cấp phát 100% đối với các dự án của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cấp phát 90% cho các dự án của 13 địa phương (gọi tắt là các dự án Mekong DPO).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một chính sách đặc thù của ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư còn chậm, hiện mới có Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất đầu tư, các bộ, địa phương còn lại cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để phấn đấu khởi công các dự án trong giai đoạn 2024 - 2025./.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các tỉnh vùng ĐBSCL cần ưu tiên phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xử lý các khu vực sạt lở bờ sông. Điều phối các hoạt động hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô.

Đồng thời, hỗ trợ các địa phương khắc phục sạt lở, xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề có tính cấp bách, cần phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí.